Trở lại Đồng Kèn – Tà Dơi

ĐỒNG KÈN – TÀ DƠ Tên hành chính là Tân Thành, nhưng người dân quen gọi là xã mới. Ở cái xã mới này có những địa danh rất cũ xuất hiện từ trước thời Pháp thuộc như Đồng Rùm, Đồng Kèn và Tà Dơ. Đồng Rùm thì gắn liền với Căn cứ X40 của lịch sử oai hùng một thuở. Còn Đồng Kèn – Tà Dơ ngày nay chỉ là hai cái xóm nhỏ nằm thu mình ở cuối đường 795 không khác gì một bán đảo ba bề sông nước mênh mông.

Non nước Cẩm Giang thôn


Trên bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh vẽ năm 1896 thì khu vực Đồng Kèn – Tà Dơ thuộc về làng Lộc Ninh của tổng Hàm Ninh Thượng. Theo Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư cho biết: “Lộc Ninh thôn thuộc tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, triều Minh Mạng. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đổi thuộc tổng Hàm Ninh Thượng, cùng huyện. Đầu Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc Hạt thanh tra Tây Ninh. Từ ngày 1-1-1900 thuộc tỉnh Tây Ninh. Thập niên 20 của thế kỷ XX thuộc quận Thái Bình, cùng tỉnh. Từ 1942 đổi thuộc quận Châu Thành, cùng tỉnh. Sau 1956 gọi là xã, vẫn thuộc như cũ. Từ 1959 thuộc quận Phú Khương, cùng tỉnh. Sau 30-4-1975 thuộc huyện Dương Minh Châu, cùng tỉnh. Là tên xã hiện nay.” (sđd, trang 625-626, NXB Chính trị Quốc gia 2008). Và cũng xin nói thêm rằng, cái gọi là “xã hiện nay” như Nguyễn Đình Tư nói ở trên thì không liên qua gì đến xứ Đồng Kèn – Tà Dơ cả. Bởi khi xây dựng Hồ Dầu Tiếng thì cả xã Lộc Ninh cũ đều bị chìm dưới đáy hồ, chính quyền tỉnh nhà quyết định di dời dân và lấy một số ấp của các xã Cầu Khởi, Truông Mít, Bến Củi để thành lập xã Lộc Ninh mới. Chính vì vậy mà xã Lộc Ninh của huyện Dương Minh Châu hiện nay cách rất xa Đồng Kèn – Tà Dơ và không hề dính líu gì cả với khu vực này cả.

Đồng Kèn và Tà Dơ hiện là tên các ấp của xã Tân Thành, trong đó Đồng Kèn được chia làm hai là Đồng Kèn 1 và Đồng Kèn 2. Xét về nguồn gốc tên gọi thì các ấp này đều có nguồn gốc từ tiếng Khmer. Tà là ông, Dơ là tên riêng, người Khmer lấy tên người lập phum để gọi thành địa danh. Còn Đồng Kèn là dạng Việt hóa “Đơm Sleng” nghĩa là cây mã tiền, xưa khu vực này mọc nhiều loại cây này, người Khmer lấy mộc danh làm địa danh. Trước khi người Việt đến cộng cư thì khu vực này là những cái xóm nhỏ của bà con Khmer sinh sống. Trên bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh 1896 còn ghi vị trí của ngôi chùa Khmer “Bo Vat Mum” tại khu vực cuối ấp Tà Dơ hiện nay. Thực ra đây không hẳn là ngôi chùa mà là loại nhà Rôn Bon dùng để làm đám cúng các lễ hội theo phong tục của người Khmer. Trước năm 1978, ngôi nhà Rôn Bon này vẫn còn, nhưng sau đó do nước hồ dân cao, các xóm Khmer này di dời chỗ ở lên khu vực ấp Tân Đông (xã Tân Thành), nên ngôi nhà làm đám cúng bị sập đổ, dấu vết nền cũ ngày nay vẫn còn ở cuối bến Sân Chầu.

Chùa Kà Ốt-Dấu ấn tâm linh của miền biên viễn

Nói về địa danh Sân Chầu đó là di tích khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy lên Tây Ninh. Những nơi mà Nguyễn Ánh và thuộc hạ hội với nhau về sau được gọi là Sân Chầu. Trong sách Tây Ninh Xưa và Nay, Huỳnh Minh có chép: “Lúc bấy giờ vào năm 1780-1782 Nguyễn Ánh thường xuất hiện ở Tây Ninh. Để lẩn tránh Tây Sơn, Ngài cùng quần thần thường hội hiệp ở “Sân Chầu” giữa một khu rừng hoang vắng” (sđd, trang 55, Tác giả tự xuất bản 1972). Trong sách Tây Ninh bên dòng lịch sử Miền Nam của Dương Công Đức cũng có chép: “Trong thời gian tránh sự truy lùng của quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã nhiều lần chạy lên xứ Quang Hóa, Quang Phong, nay là Tây Ninh. Vì vậy trong dân gian Tây Ninh có nhiều sự tích về vua Gia Long thời kỳ này. Đầu tiên là những địa danh mang tên “Sân Chầu”. Cho dù bị quân Tây Sơn truy lùng gắt gao, hằng ngày chúa Nguyễn vẫn tổ chức các buổi chầu, tập hợp văn võ bá quan để tâu tình hình và bàn việc quân cơ. Chỗ chầu không có nhà cửa cung điện gì mà chỉ là khoảng đất trống trong rừng, tựa như cái sân, chúa Nguyễn ngồi giữa còn các quan ngồi xung quanh. Những chỗ chúa tổ chức buổi chầu sau này được dân chúng gọi là “Sân Chầu”. Vì chúa không ở lâu một nơi, cho nên cũng có nhiều địa danh Sân Chầu. Trên địa phận phía Bắc tỉnh Tây Ninh có khoảng 4, 5 địa điểm mang địa danh Sân Chầu như ở núi Bà Đen, huyện Dương Minh Châu, thành phố Tây Ninh…”. (sđd, trang 129, NXB Tri Thức 2019). Có thể nói, những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, khu Đồng Kèn – Tà Dơ chủ yếu là rừng già và đầm lầy, nhưng đã có người sinh sống và lưu giữ lịch sử bằng hình thức địa danh hóa. Thật là đáng quý biết bao!

Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực Đồng Kèn – Tà Dơ chính là địa bàn đứng chân của Trung đoàn 2. Trung đoàn 2 phối hợp với Trung đoàn 16 tạo nên chiến thắng oanh liệt trước quân Mỹ ở trận Đồng Rùm trong chiến dịch Junction City lịch sử. Sách Lịch sử Sư đoàn bộ binh 9 (1965-2010) có chép như sau: “Ngày 20 tháng 3, sau khi nghe trinh sát kỹ thuật báo cáo tình hình cụm quân Mỹ ở Đồng Rùm, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Sư đoàn hạ quyết tâm vận động tập kích quân Mỹ, nguy ngay trong đêm 20 rạng ngày 21 tháng 3. Trung đoàn 2 đang đứng ở Tà Dơ cách Đồng Rùm 5 ki-lô-mét về phía đông nam vận động đột phá hướng chủ yếu. Trung đoàn 16 đứng cách Đồng Rùm 7 ki-lô- mét về phía bắc, vận động đột phá hướng thứ yếu. Đêm 20 tháng 3, hai trung đoàn đưa bộ đội vào chiếm lĩnh trận địa, tổ chức hiệp đồng giữa các hướng, bảo đảm bí mật và đúng thời gian quy định. 5 giờ 39 phút ngày 21 tháng 3, Trung đoàn phó Trung đoàn 2 Trương Văn Đàng ra lệnh nổ súng. Sau loạt bắn cấp tập của cối, ĐKZ, hai Tiểu đoàn 4 và 6 đột phá qua tiền duyên, đánh nhanh, xung phong đồng loạt, diệt nhiều hoả điểm và xe cơ giới địch, đánh bật các đợt phản kích của chúng. Đại đội 2 Tiểu đoàn 4 nhanh chóng thọc sâu, đánh trúng sở chỉ huy địch. Trong khi đó, Trung đoàn 16 hiệp đồng theo tiếng súng tập kích cụm quân Mỹ ở phía bắc. Sau ba giờ chiến đấu…bộ đội ta cơ bản diệt được sở chỉ huy địch, diệt gần hết cụm quân Mỹ ở phía nam, đánh thiệt hại cụm quân Mỹ ở phía bắc trảng” (sđd, trang 105-106, NXB Quân đội nhân dân 8-2010).

Ngày nay trở lại Tà Dơ – Đồng Kèn dấu tích chiến tranh xưa hầu như không còn nữa. Con đường 795 đã và đang mở rộng, nhựa hóa đến tận bến Sân Chầu. Những cụm dân cư thưa thớt, hiu hắt trước đây đã thay thế bằng nhiều nhà cửa khang trang. Người dân ở đây phát triển trồng mì và cao su kết hợp với việc bảo vệ rừng phòng hộ rất tốt. Một lợi thế khác ở khu vực này là sông nước ba mặt nên việc khai thác thủy sản cũng là nghề chính của người dân ở đây. Bên cạnh đó, trong vài năm trở lại đây, bà con xây hồ nổi nuôi ba ba khá tốt. Cá tạp khai thác từ hồ Dầu Tiếng làm thức ăn cho ba ba, đây cũng là một lợi thế lớn trong việc nuôi trong thủy sản.

Trong vòng mười năm trở lại, Việt kiều từ Camphuchia về khu bến Tà Dơ định cư rất nhiều. Vấn đề này gây không ít khó khăn cho chính quyền và nhân dân xã Tân Thành. Nhưng máu chảy ruột mềm, lá lành đùm lá rách luôn là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Ngoài việc cưu mang, cứu trợ, còn xây nhà cửa giúp bà con Việt kiều có chỗ sinh sống đàng hoàng. Ngày 19 – 7 – 2017, chương trình Quỹ Đạo Phật Ngày Nay thuộc chùa Giác Ngộ (Q.10, TP.HCM) kết hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ khởi công xây dựng 183 căn nhà tình thương tại ấp Đồng Kèn 2 với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng. Có thể nói, việc thực hiện dự án xây dựng 183 căn nhà tình thương là chương trình ngoài mang ý nghĩa về an sinh xã hội cho những hộ nghèo trở về từ Biển Hồ như tạo điều kiện cho con em của họ được ăn học, có nghề nghiệp ổn định, làm thay đổi tích cực cuộc sống của những gia đình ở đây. Dự án còn giải quyết vấn nạn về môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh nguồn nước cho 4 tỉnh khác, trong đó có TP.HCM.

Về Gò Duối xem mộ Ông Voi

Trở lại Đồng Kèn – Tà Dơ là trở về với những dấu cũ của thời gian. Là trở về với mảnh đất nghĩa tình cưu mang những núm ruột xa xứ hồi hương và cũng là niềm hi vọng cho ngày mai tươi sáng.

ĐÀO THÁI SƠN

Ảnh: Bến Sân Chầu – Tà Dơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: No coppy !!