Non nước Cẩm Giang thôn

Ngày nay, nếu chịu khó đi dạo một vòng Cẩm Giang, bạn sẽ cảm nhận được không khí cổ xưa hoà trong làn gió mới, mang đến cho xứ sở này một dáng dấp không lẫn vào đâu được nơi miền phên giậu Tây Ninh.

 

 

Khuôn viên đình Cẩm An Hưng Mỹ.

Ai từng đọc bài thơ Đêm Cẩm Giang của nhà thơ Trường Anh có lẽ không khỏi ngậm ngùi, cảm hoài về một thời khói lửa. Ngày nay, nếu chịu khó đi dạo một vòng Cẩm Giang, bạn sẽ cảm nhận được không khí cổ xưa hoà trong làn gió mới, mang đến cho xứ sở này một dáng dấp không lẫn vào đâu được nơi miền phên giậu Tây Ninh.

Về Gò Duối xem mộ Ông Voi

Nhìn trên bản đồ, ta thấy xã Cẩm Giang của huyện Gò Dầu ngày nay là một xã nhỏ, diện tích 26,37km2 với bốn ấp là Cẩm Thắng, Cẩm Long, Cẩm Bình và Cẩm An. Nơi đây lại có lợi thế là quốc lộ 22B cắt qua, đường thuỷ thì có sông Vàm Cỏ Đông, đây là con đường giao thương quan trọng của một thời xưa cũ. Về cái tên [Cẩm Giang –         ] trước đây có vài người cho rằng xuất phát từ đoạn sông có nhiều lục bình trổ bông đẹp như gấm nên mới gọi là “Cẩm Giang”.

Cụ thể, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam của Lê Trung Hoa có chép: “Cẩm Giang – xã của huyện Gò Dầu tỉnh Tây Ninh. Cẩm Giang (HV) là “sông gấm” tên xã do tên sông mà ra” (sđd, trang 217, T1, NXB Văn hoá thông tin 2013). Thực ra chữ “Cẩm”- ngoài nghĩa là “Gấm” còn có nghĩa là “Rực rỡ, tươi đẹp, lộng lẫy”, đoạn sông này xưa kia rất trong trẻo, phản chiếu mây trời rất rực rỡ, chứ thuở ấy sông đâu bị ô nhiễm.

Cẩm Giang là thôn xưa của đất Tây Ninh. Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư cho biết về Cẩm Giang như sau: “Thôn thuộc tổng Triêm Hoá, huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh từ năm Minh Mạng thứ 5 là năm đắp bảo Quang Hoá tại đây. Năm thứ 17 lập huyện Quang Hoá thuộc phủ Tây Ninh, đặt huyện lỵ tại đây. Trải qua triều Thiệu Trị, đến năm Tự Đức thứ 3 dời huyện lỵ tới thôn Long Giang.

Trở lại Đồng Kèn – Tà Dơi

Đầu Pháp thuộc, thuộc hạt thanh tra Trảng Bàng. Từ 5.6.1871 đổi thuộc hạt thanh tra Tây Ninh. Từ 5.1.1876 gọi là làng thuộc hạt tham biện Tây Ninh. Ngày 6.3.1891 được sáp nhập làng Hưng Mỹ giải thể. Từ 1.1.1900 thuộc tỉnh Tây Ninh. Từ 1903 thuộc quận Trảng Bàng. Ngày 12.8.1948 đổi thuộc tổng Hàm Ninh Thượng, quận Châu Thành cùng tỉnh. Sau 1956 gọi là xã vẫn thuộc như cũ. Từ 1959 đổi thuộc quận Khiêm Hanh. Sau 30.4.1975 thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Là tên xã hiện nay” (sđd, trang 269, NXB Chính trị Quốc gia 2008).

Theo ghi chép trên thì Cẩm Giang có từ năm Minh Mạng thứ V (1824), nhưng thực ra thôn Cẩm Giang có từ thời Gia Long với cái tên Cẩm Giang Tây, thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Về sau, thời Minh Mạng, thôn Cẩm Giang Tây được gọi là Cẩm Giang, rồi sau đó được sáp nhập thêm phần đất của làng Hưng Mỹ và tồn tại cho đến ngày nay. Chính vì vậy, xã Cẩm Giang ngày nay có tới hai ngôi đình đó là đình Trung ở ấp Cẩm Long và đình Hưng Mỹ ở ấp Cẩm An.

Đình Trung Cẩm Long có khoảng trăm năm trước, nhưng ngôi đình hình chữ “Tam” hiện nay thì được xây dựng vào năm 1957, mặt tiền đình hướng ra sông Vàm Cỏ Đông. Đình thờ thành hoàng bổn cảnh và vinh danh cả Quan lớn đại thần Huỳnh Công Thắng.

Phía sau đình có cây đa cổ thụ, gần đó người ta làm tượng các con trâu trong nhiều tư thế và có cả cái chuồng trâu gợi lại không khí của nghề làm lúa nước thuở xưa, trông rất đẹp. Khuôn viên sân đình có nhiều cây rừng tạo bóng mát và không khí rất yên tĩnh. So với đình Trung Cẩm Long thì đình Cẩm An Hưng Mỹ có vẻ cổ xưa hơn.

Suối Dây – Chim Đậu Đất Lành

Đình hướng ra rạch Bàu Nâu, khuôn viên đình có nhiều cây củ chi lâu năm trông rất cổ kính. Vị thần được thờ chính của đình Hưng Mỹ là Nguyễn Huỳnh Đức, một khai quốc công thần thời Gia Long Nguyễn Ánh.

Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Thắng – Nguyễn Bá Thế: “Nguyễn Huỳnh Đức (1748-1819) – Danh tướng đời Gia Long, nguyên tên là Huỳnh Tường Đức, từng theo giúp Nguyễn Ánh lập công lớn nên được mang họ vua. Quê tại Giồng Cái Én, làng Trường Khánh, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường, sau là làng Khánh Hậu, tỉnh Tân An (nay thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Xuất thân trong một gia đình quan võ, ngay từ tuổi trẻ ông có sức mạnh hơn người, đương thời gọi là “ông hổ tướng”. Lúc đầu ông đứng trong hàng ngũ quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn, đến năm 33 tuổi (1781) ông mới theo Nguyễn Ánh.

Năm 1783 bị nghĩa quân Tây Sơn bắt làm tù binh, được Nguyễn Huệ trọng dụng, ra Bắc đánh quân chúa Trịnh, từng làm phó tướng cho Nguyễn Văn Duệ. Sau Duệ phản Nguyễn Huệ, ông trốn sang Xiêm (Thái Lan) theo về với Nguyễn Ánh.

Năm Canh Tuất 1790 được thăng chức Chưởng quản Hữu quân dinh, đánh chiếm được Phan Rí, rồi tiến chiếm cửa Thị Nại ở Bình Định. Năm sau hạ được thành Quy Nhơn, năm 1799 về cai quản xứ Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).

Sau khi Nguyễn Ánh chiếm thành Phú Xuân, giao ông trấn giữ thành Quy Nhơn. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông được phong tước Quận Công, đến năm 1810, ông làm tổng trấn Bắc thành kiêm Khâm sai Chưởng tiền quân.

Năm 1816 trở về Nam làm Tổng trấn Gia Định cùng với Trịnh Hoài Đức (Đức làm Hiệp Tổng trấn) cai quản cả khu vực miền Nam (Nam Kỳ). Ngày 9.9 năm Kỷ Mão (1819), ông mất, thọ 71 tuổi, an táng ở quê nhà làng Khánh Hậu, tỉnh Long An ngày nay.

Sau khi ông mất, triều đình truy tặng Phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái phó Quận Công, được thờ tại miếu Trung hưng công thần tại kinh đô Huế. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) được truy tặng là Kiến Xương Quận Công…” (sđd, trang 782, NXB Văn hoá Thông tin 2013).

 

 

Đền thờ Quan đại thần Huỳnh Công Thắng ở xã Cẩm Giang

Ngoài hai ngôi đình thần, Cẩm Giang còn có đền thờ và lăng mộ của Quan lớn đại thần Huỳnh Công Thắng. Ngôi đền thờ hiện nay toạ lạc trên nền bảo Quang Hoá cũ, mặt tiền hướng ra sông. Sách Tây Ninh Xưa và Nay của Huỳnh Minh cho biết, trước đây, bia mộ ông ghi là Trần Công Thắng, không biết lý do gì, về sau lại đổi sang họ Huỳnh.

Cụ thể, sách ghi như sau: “Riêng về Trần Công Thắng, khi ông mất, được dân làng thành kính chôn cất tại Cẩm Giang và lập một ngôi miếu nhỏ thờ nơi cuộc đất nền thành cũ, thuộc xã Cẩm Giang ngày nay” (sđd, trang 155, tác giả tự xuất bản 1972).

Hiện nay, có nhiều giai thoại cho rằng Trần/Huỳnh Công Thắng là em của Huỳnh Công Giản. Nhưng tài liệu xưa nhất do cụ Phan Thành Lợi (hậu duệ của nhà thơ Phan Văn Trị) thuật về Huỳnh Công Giản, chỉ ghi ông có người em là Huỳnh Công Nghệ và hoàn toàn không đề cập tới Huỳnh Công Thắng.

Đền được xây cất rất khang trang trên một gò đất khá cao, đây là di tích thành bảo Quang Hoá hiếm hoi còn sót lại. Nói về thành bảo này, sách Đại Nam nhất thống chí có chép như sau: “Buổi đầu bản triều, đặt đạo lý Quang Phong ở thôn Cẩm Giang.

Năm Minh Mạng thứ năm (1824), đắp bảo, gọi là bảo Quang Hoá. Năm thứ 17 (1836), bỏ đạo, đặt lại tên huyện này, thuộc phủ Tây Ninh thống hạt, lĩnh bốn tổng, 32 xã thôn” (sđd, trang 1670 – T2, NXB Lao động 2012, Hoàng Văn Lâu dịch).

Về sau, năm 1834, nhà Nguyễn cho xây thành bảo Định Liêu ở thôn Long Giang, nhưng bảo Quang Hoá vẫn giữ để hỗ trợ phòng thủ. Điều đó cho thấy vùng đất Cẩm Giang xưa là hết sức quan trọng về mặt quân sự, chứ không hề đơn giản chỉ là thôn dân cư.

Chùa Kà Ốt-Dấu ấn tâm linh của miền biên viễn

Đối diện với đền thờ Huỳnh Công Thắng là chùa Cẩm Phong, hay còn gọi là chùa Quan Huế. Sở dĩ gọi là chùa Quan Huế bởi người dân ở Cẩm Giang lưu truyền rằng xưa kia có một vị quan ngoài Huế cử vào Tây Ninh trấn nhậm, sau ngài đi tu và lập chùa này. Chùa Cẩm Phong được xây dựng năm 1849 theo phái Cổ Sơn Môn. Chùa toạ lạc ngay mặt tiền quốc lộ 22B, phía sau là sông Vàm Cỏ Đông êm đềm trôi chảy, bốn mùa mát mẻ yên lành.

Ngoài các di tích đình chùa, Cẩm Giang còn có một địa danh rất nổi tiếng khác đó là bưng Trao Trảo. Ở gò bưng này xưa kia tụ họp rất nhiều giống chim trao trảo, nên người dân quen gọi đó là gò Trao Trảo hay bưng Trao Trảo.

Trao trảo là loại chim khá đặc biệt, chúng không làm tổ trên cành cây hay bọng cây mà là tổ dưới đất. Chúng đào tổ dưới đất ven gò, sâu chừng nửa mét, bên trong cùng làm thành bọng to để ở và sinh sản. Loài chim này thường ở bên các sông rạch thuộc huyện Bến Cầu, Châu Thành, khi đến mùa thu hoạch cây thuốc lá là bay về sống ở gò Trao Trảo.

Hết mùa xuân thì bỏ hang đi, để lại cho chuột ở. Bưng Trao Trảo còn là một chứng tích lịch sử trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của quân và dân ta. Vào đêm 5.10.1973, quân giải phóng của ta từ Bến Cầu vượt sông sang vùng Cẩm Giang.

Nhưng khi đến gò Trao Trảo thì trời đã gần sáng, đành ém quân lại trên gò bưng đợi tối rồi đi tiếp. Tin tức bị lộ, giặc trút pháo xuống gò bưng bất ngờ nên rất nhiều chiến sĩ hy sinh tại nơi này. Sau khi địch rút, người dân vào bưng tìm được ba mươi bảy thi hài chiến sĩ và bà con đã chôn cất ngay trên gò Trao Trảo. Ngày nay, đến bưng Trao Trảo, ta sẽ thấy ngôi miếu tưởng niệm anh linh các liệt sĩ năm xưa.

Qua Cẩm Giang thôn là qua một miền đất cổ, nơi đây còn lưu nhiều dấu tích của một thời khai hoang mở cõi. Qua Cẩm Giang là qua những nhịp tiếp nối văn hoá lịch sử từ bao thế hệ của một vùng đất tươi đẹp và rất đỗi yêu thương.

Đào Thái Sơn ( Tây Ninh Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: No coppy !!