Chùa Kà Ốt-Dấu ấn tâm linh của miền biên viễn

Chùa Kà Ốt tên Pali là Kiri Sattay Meanchey, trong đó “Kiri” là núi, khu vực gần núi; “Sattray Meanchey” là phụ nữ chiến thắng, lấy từ tích thi đắp núi giữa hai phe nam – nữ, bên nào thua phải đi cưới bên kia.

Chùa Kà Ốt là một trong năm ngôi chùa Nam tông Khmer ở các xã biên giới tỉnh Tây Ninh. Ngôi chùa hiện nay tọa lạc trên một khu đất rộng tại đầu ấp Kà Ốt thuộc xã Tân Đông huyện Tân Châu, cách trung tâm chợ Tân Đông khoảng 2km và cách cửa khẩu Kà Tum chừng 4km. Đây là ngôi chùa hết sức quan trọng đối với bà con dân tộc Khmer ở ba ấp Kà Ốt, Tầm Phô, Suối Dầm và các khu vực lân cận.

Trước khi nói về chùa Kà Ốt, xin nói một chút về xứ Kà Tum xưa. Khu Kà Tum hơn một trăm năm mươi năm trước thuộc về làng Cà Nhum của tổng Chơn Bà Đen. Theo Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư cho biết “Cà Nhung còn có tên khác là Thung từ 5-1-1876 gọi là làng thuộc hạt tham biện Tây Ninh. Ngày 6-3-1891 được sáp nhập làng Ampil giải thể. Từ 1-1-1900 thuộc tỉnh Tây Ninh. Từ 1930 thuộc quận Thái Bình cùng tỉnh. Từ 1942 thuộc quận Châu Thành cùng tỉnh. Từ sau 1956 gọi là xã Cà Nhung vẫn thuộc như cũ. Ngày 28-3-1957 giải thể nhập vào xã Khedol” (Sđd, trang 1202, NXB Chính trị Quốc gia 2008). Và cũng xin nói thêm, làng Cà Nhung xưa là rất lớn trải dài từ khu Thị Trấn cho đến tận biên giới Tân Đông ngày nay, sau khi giải thể thì vị trí của làng cũ tương ứng với xã Tân Hội được chia ra từ xã Tân Hưng (tiền thân là xã Khedol trước đó). Còn làng Ampil được nhắc ở trên chính là ấp Tầm Phô hiện nay. Khoảng năm 1972 thì xã Kà Tum được thành lập gồm mười sáu phum Khmer và khu vực này có khá nhiều chùa, nhưng sau đó bị bom đạn chiến tranh tàn phá, các phum Khmer cũng nhiều lần di dời, sáp nhập vào nhau cho đến sau 1975 thì thành lập xã Tân Đông và còn lại ba làng Khmer và ngôi chùa Kà Ốt duy nhất.

Chùa Kà Ốt tên Pali là Kiri Sattay Meanchey [គិរីស្រ្តីមានជ័យ], trong đó [Kiri] là núi, khu vực gần núi; [Sattray Meanchey] là phụ nữ chiến thắng, lấy từ tích thi đắp núi giữa hai phe nam – nữ, bên nào thua phải đi cưới bên kia. Chùa Kà Ốt có từ hơn năm mươi năm trước, nhưng trong giai đoạn chiến tranh, khu vực này bị đánh bom rất dữ dội, chùa bị cháy sập, những vị cao niên ôm cốt Phật chạy qua Camphuchia, mãi đến năm 1981 mới trở về làng cũ xây dựng lại chùa như ngày nay.

Quần thể chùa Kà Ốt bao gồm ngôi chánh điện theo trục Đông – Tây, bên phải chánh điện là ngôi Chêt Đây (tháp cốt) có lối kiến trúc hết sức cầu kỳ và rất đẹp. Phía sau tháp cốt là miếu Neakta Watt (Ông Tà giữ chùa). Theo trục dọc của chánh điện, phía sau là sân tượng, ngôi sala và khu tăng xá.

Có thể nói, sân tượng tháp cốt và chánh điện tạo nên dấu ấn hết sức ấn tượng của di tích kiến trúc tâm linh ở đây. Ngôi chánh điện được xây dựng theo kiểu có hàng rào xung quanh, bao gồm ba tầng mái cao vút. Tại các góc mái tạo tác những đầu rồng ngẩng lên. Theo ý kiến của một số người thì rồng dù là linh vật nhưng nó vẫn là loài súc sinh, không thể ngự trị trên chánh điện thờ Đức Phật được. Nhưng thực ra, theo truyền thuyết Phật giáo, Đức Phật thường ngồi trên lưng rồng để đi thuyết pháp khắp nơi. Chính vì vậy sự xuất hiện của rồng cũng đồng nghĩa là nơi Đức Phật ngự trị vậy. Ngoài ra rồng còn là biểu tượng của sấm chớp, mưa thuận gió hòa, ban phát dòng sinh lực từ trời cha xuống lòng đất mẹ để vạn vật sinh sôi nảy nở, đó là mơ ước mong cầu ngàn đời của cư dân nông nghiệp…Bên trong ngôi chánh điện thờ nhiều tượng Phật Thích Ca với nhiều tư thế khác nhau. Các pho tượng đều sơn một màu vàng, tượng trưng cho giải thoát mọi nỗi khổ niềm đau, đó là thế giới của chánh đạo, thế giới Niết Bàn. Bên cạnh các pho tượng là hệ thống bích họa được vẽ theo phong cách nghệ thuật Khmer rất đẹp, các bích họa tuy không đồng kích cỡ nhưng tạo được sự phối hợp khá hài hòa và cân đối. Các bức tranh này kể về các Phật tích, mỗi bức tranh mang tính giáo dục khuyến thiện trừng ác rất cao. Mặt phía Đông của chánh điện vẽ bức tranh lớn về sự kiện Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như; mặt phía Tây là bức tranh ngũ Phật. Năm vị Phật bao gồm ba vị của quá khứ, một vị của hiện tại và một vị của tương lai. Phật Kaloksantho (Câu Lưu Tôn) trong trang phục tu sỹ, ngồi trên ngai dưới có hình con gà. Phật Konakomono (Câu Na Hàm) cũng ngồi ngai, mặc y phục tu sỹ, dưới vẽ hình con rắn. Phật Kasabo (Ca Diếp) cũng ngồi ngai, mặc đồ tu sỹ, dưới có vẽ hình con rùa – đó là ba vị Phật tượng trưng cho quá khứ. Phật Kotamo (Thích Ca Mâu Ni) là vị Phật lịch sử, tượng trưng cho hiện tại. Ngài cũng trong trang phục tu sỹ, ngồi ngai, bên dưới vẽ hình con bò. Còn Seiametrai (Di Lặc) là vị Phật của tương lai, ngài mặc giáp trụ, mão nhọn như một vị thần hay hoàng tử, dưới ngai là hình con sư tử. Ngoài các chi tiết trên, các vị Phật được vẽ luôn trong tư thế tọa thiền, giao cước, tay bắt các loại ấn như ấn thiền định, ấn xúc địa, ấn chuyển pháp luân…

Các hàng cột bên ngoài chánh điện được trang trí các tượng chim Krut và các Keynor xen kẽ trong tư thế chống đỡ mái vừa thanh thoát vừa tràn trề sinh lực. Bên cạnh đó là vòng tường rào rộng được tạo tác bởi 8 con rắn Nagar 5 đầu hướng ra bốn hướng cầu thang lên xuống kết hợp với bốn đầu thần Bốn Mặt ở bốn góc tường rào trông rất đẹp. Song song với chánh điện là ngôi tháp cốt thuộc hàng đẹp nhất xứ Tây Ninh. Tháp cao hơn 10 mét, phân ra nhiều tầng, trang trí hoa văn hết sức cầu kỳ, đỉnh tháp là đầu tượng thần Bốn Mặt. Mặt chính của tháp quay về hướng Tây với hai lớp cầu thang có sáu con Nagar lớn phùng ra 7 đầu trông vô cùng ấn tượng. Ở mỗi góc cạnh của tháp có ba tượng chim Krut và Keynor chống đỡ hết sức rực rỡ.

Ngoài hai kiến trúc chính trên, chùa Kà Ốt có sân tượng vô cùng đẹp. Ở đây hội tụ khá đầy đủ các dạng tượng tròn chính của chùa Khmer Nam Bộ. Trung tâm của khu sân tượng là tượng Đức Thích Ca trong tư thế xúc địa ngồi trên bệ cao mặt hướng về phía Đông. Trước đây gương mặt Phật được tạo trùng khớp với gương mặt của người Khmer hết sức đẹp. Đôi môi nở nụ cười hàm tiếu theo phong cách tượng Đế Thiên Đế Thích, nhưng sau này các thợ chỉnh sửa lại gương mặt Phật không còn ấn tượng như xưa. Hai bên tượng Phật ngồi là tượng hai con Reach chasei (Chúa tể của loài thú) to lớn, phía sau là hai tượng Yeak (Chằn) chân khuỳnh tay chống chày vồ trông hết sức oai nghiêm. Sau lưng tượng Phật ngồi là luân xa tượng trưng cho bát chánh đạo, đối lưng là tượng Néang Konghing (Mẹ Đất), trong tư thế đứng vắt mái tóc dài dâng nước khống chế Ma Vương, minh chứng cho Phật thành đạo.

Phía trái của tượng Phật ngồi có 5 pho tượng Thần Phật khác kích cỡ to như người thật đứng trên 5 cây trụ cao theo một hàng thẳng. Đó là tượng Đức Phật Thích Ca đang thuyết pháp bên cạnh là tôn giả A Nan và ba vị thần tối cao của Bà la môn : Brahma – Vishnu – Shiva. Nếu nhìn bề ngoài, ta thấy đây là dạng tàn dư của văn hóa Bà la môn trong Phật giáo Nam tông Khmer. Nhưng kỳ thực đây là một thông điệp, một ẩn ngữ thể hiện sự quy thuận của Bà la môn đối với Phật giáo. Là sự xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ những bất công, bất kỳ ai cũng có Phật tánh cũng có thể chuyển hóa để hướng thiện và đi đến chân lý giải thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống.

Chùa Kà Ốt đối với bà con Khmer miền biên giới vừa là cơ sở thờ tự, gửi gắm tâm linh vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống của dân tộc. Hằng năm, các lễ hội Phật giáo diễn ra tại chùa có như lễ Phật Đản, Phật thành đạo, lễ Nhập hạ, Dâng y Kathina…ngoài ra còn khá nhiều lễ hội dân gian ít nhiều gắn với dòng tâm linh Phật như Chol Chhnam Thmay, Sen Đôn Ta, Ok Om Bok, Cúng Lúa…Tất cả làm nên nhiều màu sắc rực rỡ từ nghi thức tín ngưỡng đến sinh hoạt ca múa, trò chơi dân gian hết sức vui nhộn.

Đến với miền biên giới Kà Ốt là đến với đồng bào Khmer, là đến với những thôn làng bình yên, hiền hòa và cũng là đến với những dấu ấn của văn hóa tâm linh mà trung tâm không gì khác chính là ngôi chùa Kiri Sattray Meanchey. Trong khuôn viên chùa còn nhiều dấu tích hố bom, chứng tỏ xưa kia nơi này đã hứng chịu không ít mưa bom bão đạn. Nhưng rồi chiến tranh qua đi, bàn tay lao động cần cù của con người đã làm cho bao sự sống hồi sinh. Người Khmer bao đời quan niệm sống thì gần chùa, chết thì gửi cốt vào chùa. Chính vì vậy mà sự hiện của ngôi chùa vừa làm cho Kà Ốt thêm giàu bản sắc vừa là niềm hãnh diện của bà con ở xứ sở này.

ĐÀO THÁI SƠN ( Tây Ninh Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: No coppy !!