Về Gò Duối xem mộ Ông Voi

Nhiều năm qua, ở Gò Duối- địa danh thuộc ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành, có ngôi mộ Ông Voi cùng những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian.

 

Dinh thờ quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ hiện nay.

Từ chợ Bến Kéo đi theo con đường nhỏ đối diện khoảng 2 km là đến dinh thờ quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ. Từ dinh thờ di chuyển tiếp ra hướng rạch Tây Ninh khoảng 200 m nữa là thấy ở ven đường có một ngôi mộ bằng xi măng, mái che kiên cố. Trên mái che ngôi mộ có dòng chữ khá to: “Mộ Ông Voi Quan lớn Huỳnh Công Nghệ”. Trên mộ có tượng voi quỳ được làm bằng xi măng, lúc nào cũng có hoa, quả và khói nhang nghi ngút.

Chủ nhân của phần đất có ngôi mộ Ông Voi này là vợ chồng ông Trần Minh Cương (tên thường gọi là Oai), 57 tuổi. Ông Oai kể, sau ngày miền Nam giải phóng, vợ chồng ông sang nhượng lại phần đất này của bà Mười Cưỡng (đã mất) và cất nhà ở đến nay.

Khi sang nhượng đất thì thấy trong vườn có một gò đất hơi cao, rộng hơn 2 mét vuông. Theo lời nhiều vị cao niên ở đây, nơi gò đất cao đó là mộ voi của quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ. Sau khi voi chết, Huỳnh Công Nghệ cho quân lính chôn cất tại đây.

Thấy có nhiều người dân địa phương thường đến đây thắp nhang, cúng lạy mộ Ông Voi, gia đình ông Oai dành nhiều công sức chăm sóc ngôi mộ cho đàng hoàng hơn. Ban đầu, vợ chồng ông Oai mua vài miếng gạch tàu lát tạm ngôi mộ cho sạch sẽ, những năm gần đây, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, vợ chồng ông xây lại ngôi mộ bằng xi măng, nền lát gạch men, có mái che kiên cố và đặt mua tượng voi về để lên ngôi mộ.

“Chiều nào vợ chồng tôi cũng thắp nhang cho ngôi mộ và thường xuyên quét dọn”, chủ nhà cho biết. Trước khi sang nhượng lại phần đất này, ông Oai có nghe kể câu chuyện: một người tên Thành ở xóm trên cho rằng khi còn sống Ông Voi có đeo lục lạc vàng, bạc. Khi Ông Voi chết, những vật dụng này cũng được chôn theo xuống mồ. Tin rằng những chiếc lục lạc ấy có giá trị cao nên ông Thành lén lút đào mộ Ông Voi tìm kiếm, nhưng không tìm thấy gì.

 

 

Nơi thờ quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ.

Ông Oai chia sẻ thêm, hằng năm, vào ngày 16 và 17 tháng Giêng, người dân địa phương tổ chức cúng giỗ Quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ tại Dinh thờ. Trong đó có nghi thức đem kiệu, lân đến ngôi mộ này thỉnh Ông Voi về dinh cúng vái. Hai năm gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid- 19, bà con không tập trung đông nên không thực hiện nghi thức này.

Đối diện ngôi mộ Ông Voi vài chục mét là căn gia đình ông Ni, 74 tuổi. Theo lời lão nông này, gia đình ông sinh sống trên vùng đất này từ thời ông nội đến nay nên ông có biết về lịch sử vùng đất Gò Duối. Ngày xưa, nơi đây gọi là ruộng Quan, tức là của Quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ dùng để sản xuất lương thực nuôi quân đánh giặc.

Một hôm, con voi của quan dùng để cưỡi bị chết, quân lính đem xác đến đây chôn cất. Khi còn thiếu niên, buổi trưa đi chăn trâu, ông Ni thường đến khu mộ Ông Voi chơi nên nhớ rất rõ, trên mộ Ông Voi có hiện tượng lạ là dù mùa nắng hay mưa, phần đất đó không bao giờ có cỏ mọc. “Thấy lạ nên người dân trong vùng tôn thờ ngôi mộ đó lắm”- ông Ni cho biết.

Liên quan đến dinh thờ quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ, ông Ni nhớ lại, hồi xưa, nơi thờ cúng đại thần Huỳnh Công Nghệ chỉ là ngôi miếu nhỏ do bác dâu thứ ba của ông dựng lên. Sau ngày miền Nam giải phóng, người cháu của ông về thăm, xây cất lại nơi thờ cúng to lớn hơn. Những năm gần đây, chủ nhân của khu đất có dinh thờ là bà Phạm Thị Sắn xây cất lại quy mô như hiện nay. “Ngày xưa, Dinh Đại thần linh thiêng lắm, ai đi ngang cũng phải giở nón mũ xuống, tỏ lòng tôn kính”, ông Ni kể.

 

 

Mộ Ông Voi nhìn từ phía trước.

Bà Nguyễn Thị Đát, 91 tuổi, nhà ở đối diện Dinh quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ có hơn 20 năm làm công quả trong Dinh. Nhắc tới chuyện mộ Ông Voi, bà Đát kể, gần Dinh có người thanh niên tên Đặng cũng thường xuyên làm công quả trong Dinh.

Hằng năm, vào sáng ngày 16 tháng giêng, nhiều người dân địa phương đến mộ làm nghi thức rước Ông Voi về Dinh cúng giỗ. Đến chiều ngày 17 thỉnh Ông Voi về mộ. Mỗi khi tới kỳ cúng giỗ, anh Đặng là người phụ trách việc bày trí mâm mía cây để thực hiện nghi thức rước Ông Voi về Dinh.

Có một năm, anh Đặng bận việc cắt cỏ cho bò, không bày trí mâm mía để cúng thì bị Ông Voi “quở”, làm anh đau đầu. Anh Đặng ôm đầu chạy vào Dinh, cùng với những người thợ nấu trong nhà bếp bày mâm mía đem đến trước mộ Ông Voi quỳ lạy, xin lỗi. Từ đó anh Đặng mới hết được chứng đau đầu.

 

 

Tượng voi vơi tư thế quỳ trên nơi được cho là mộ Ông Voi.

Ông Trần Thiện Thanh- Chủ tịch UBND xã Long Thành Nam chia sẻ: “Đúng là ở Gò Duối có mộ Ông Voi, có dinh thờ quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ và hằng năm vào ngày 16, 17 tháng Giêng, người dân địa phương có tổ chức lễ cúng Dinh.

Theo nhiều người lớn tuổi kể lại, ngày xưa, nơi đây từng là nơi ông Huỳnh Công Nghệ luyện quân, voi chôn cất dưới mộ là con vật quan Đại thần dùng để cưỡi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chỉ là lời truyền miệng trong dân gian, dưới ngôi mộ đó có chôn cất voi hay không thì chưa có cơ sở khẳng định”.

Theo sách Tây Ninh 180 năm hình thành và phát triển (1836 – 2016), vùng đất Tây Ninh vốn được người Việt đến khai khẩn từ 300 năm trước. Năm Kỷ Tỵ (1749), hay tin vùng biên cảnh Tây Ninh đang bị giặc Miên xâm phạm, cướp bóc dân nghèo, ba anh em Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Nghệ và Huỳnh Công Thắng ở vùng Nhật Tảo- Đàng Ngoài vào đây lập ấp, cùng nhân dân địa phương rèn luyện võ nghệ bảo vệ xóm làng.

 

 

Nghi thức múa lân trong ngày giỗ quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ (ảnh tư liệu).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi lập đền, dinh thờ ba bậc tiền nhân. Ở những nơi thờ cúng nêu trên đều đặt tượng 2 ccon ngựa bằng xi măng để tượng trưng cho “binh mã” được các quan đại thần sử dụng.

Riêng Dinh thờ Đại thần Huỳnh Công Nghệ không có tượng ngựa, thay vào đó là 2 tượng voi đứng chầu trong sân và một tượng voi quỳ ở nơi được cho là mộ Ông Voi. Đó là sự khác biệt giữa đền, miếu, dinh thờ các vị quan đại thần đầu tiên đến vùng đất Tây Ninh quy dân lập ấp, chống giặc xâm lược, giữ yên bờ cõi.

Đại Dương ( Tây Ninh Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: No coppy !!