Nhọc nhằn dưới nắng Tây Ninh

Những ngày này nắng nóng, oi bức khó chịu, các bà trang bị thêm cho mình manh áo hay nón lá che nắng. Bà Hai và bà Hường chia sẻ thêm, ngày nào cũng có người phát cơm từ thiện nên đỡ được phần cơm trưa, tiết kiệm ít tiền.

 

 

Bà Hường bán vé số cho khách.

Nắng là một “đặc sản” khác của xứ Tây Ninh. Bạn có thể cảm nhận cái rát muốn bỏng da vào những ngày nắng giòn hay cái oi bức đầy khó chịu lúc chuyển giao giữa mưa và nắng. Năm nay, những ngày đầu tháng 3 nắng gay gắt, cuối tháng có chút dịu mát nhờ những cơn mưa nhưng vẫn rất oi bức, ngột ngạt. Đỉnh điểm khi trời xế (tầm 1 đến 3 giờ buổi chiều) nắng càng gắt và bỏng rát khiến người khó chịu.

Ấy vậy mà người dân Tây Ninh đã quen với nắng, nhất là những người lao động. Với họ- cái nắng, dù có bỏng da vẫn có thể đi làm kiếm được tiền, đỡ hơn những khi trời mưa tầm tã.

Dưới tán cây to trong khuôn viên Toà thánh, những người bán vé số nép mình tìm bóng mát. Trên vỉa hè sạch sẽ, bà Võ Thị Hai trò chuyện cùng người bạn, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng cười. Họ là những người phụ nữ tảo tần, làn da cháy nắng bởi dầm dãi mưa nắng tìm kế sinh nhai.

Bà Hai có nhiều năm làm nghề bán vé số, năm nay bà đã 71 tuổi, mỗi ngày vẫn đến khu vực Toà thánh để bán vé số. Hành trang của bà là chiếc xe đạp cũ, phích nước đá và chiếc giỏ nhựa đựng cơm trưa.

Bà Hai cho biết, mỗi ngày bán được khoảng 100 tờ vé số tuỳ theo bán một buổi hay cả ngày, rất ít so với trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Số tiền kiếm được ít hơn nên bà gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Các con xót mẹ, nói bà ngưng bán vì thấy cực nhọc, nhưng bà muốn kiếm tiền nuôi bản thân chứ không dựa vào các con. Hơn nữa, đi bán thì bà mới có điều kiện gặp nhiều người, được trò chuyện, tâm sự với nhau.

Cùng ngồi với bà Hai là bà Nguyễn Thị Hường, 59 tuổi, bị đau ở chân, phải ngồi xe lắc. Bà Hai nói, vì thương hoàn cảnh của bà Hường mà hai chị em cùng ngồi một góc để bán chung. Bà Hường nhà ở huyện Tân Biên, đường xa, bà thuê nhà trọ tại phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành để ở. Hằng ngày, bà lắc xe ra khuôn viên Toà thánh bán vé số.

Bà nói: “Mỗi ngày tôi bán được khoảng 150 tờ vé số, vừa trả tiền thuê trọ, thuốc men vừa tiết kiệm để gửi về nuôi cháu nội”. Tháng 8 năm ngoái, con trai bà Hường mất do tai nạn lao động, để lại hai con nhỏ, bà trở thành trụ cột, kiếm tiền nuôi cháu. “Tiền thuê nhà trọ 500.000 đồng, mỗi tháng tích cóp tôi gửi được cho các cháu khoảng 1 triệu đồng”- người phụ nữ này chia sẻ.

 

 

Bà Sương bên xe trái cây ướp lạnh.

Những ngày này nắng nóng, oi bức khó chịu, các bà trang bị thêm cho mình manh áo hay nón lá che nắng. Bà Hai và bà Hường chia sẻ thêm, ngày nào cũng có người phát cơm từ thiện nên đỡ được phần cơm trưa, tiết kiệm ít tiền.

Việc làm của các bà gặp khó khăn kể từ sau mùa dịch, nhưng vẫn ráng duy trì. Khẩu trang luôn mang trên người, bà Hường còn kỹ lưỡng trang bị cả chai sát khuẩn để chị em cùng dùng. “Bán ở đây, khi nào nắng quá thì vô trong mát ngồi chứ không ở suốt vệ đường được”- bà Hường cho biết.

Ngay góc đường An Dương Vương (phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành), giữa trưa nắng gắt, bà Trương Thị Sương vẫn chăm chỉ làm việc. Bà Sương bán trái cây ướp lạnh gần hai mươi năm, đã quen với nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh.

Mùa nắng nóng, trái cây dễ hỏng nên bà Sương phải sử dụng nước đá nhiều hơn để giữ lạnh, tốn thêm chi phí nhưng bù lại trái cây bán đắt hơn. Bà chia sẻ: “Trời nắng, dù cực hơn nhưng mình còn bán được, chứ mưa là có khi cả ngày không bán được luôn”.

Bà Sương bán trái cây ướp lạnh, còn chồng bà bán vé số, cả hai cùng cố gắng lo cho con gái đang học năm cuối đại học. Bà mẹ này chia sẻ niềm vui khi con mình được học hành đàng hoàng với hy vọng có việc làm, đỡ phải vất vả như ba mẹ.

Mấy mươi năm qua, dù nắng hay mưa, bà Sương luôn cần mẫn làm việc, tích góp dần cho tương lai con mình. Trong cái nắng oi bức, bà Sương vẫn không ngại khó ngại kh, bởi với bà còn bán được là mừng, có tiền sinh sống và lo chuyện học hành cho con cái.

 

 

Bà Hai bán vé số cho khách.

Tại bến xe Tây Ninh, ông Nguyễn Trường Tuấn, 52 tuổi, ngụ phường 2, thị xã Tây Ninh cùng những đồng nghiệp ngồi tán gẫu trong lúc chờ khách. Nghề chạy xe ôm ngày càng vất vả, từ sau dịch bệnh càng ế khách. Ông Tuấn bắt đầu làm việc từ 5 giờ sáng, khoảng 5 giờ chiều thì về. Ông cho biết, từ sáng đến xế trưa ông chạy được vài chuyến hàng, kiếm hơn trăm ngàn đồng.

Hiện nay có nhiều phương tiện cạnh tranh nên khách ít chọn xe ôm để đi. Những ngày nắng nóng, cánh tài xế xe ôm như ông Tuấn tốn thêm chi phí cho nước uống và vài thứ khác nên có ngày tiền kiếm được không có bao nhiêu. Xe ôm ngày càng vắng khách, tài xế nhận chở đồ là chủ yếu, nhưng vẫn may mắn là còn có việc.

Ông Tuấn nói: “Coi vậy chứ mùa nắng còn kiếm ăn được, đến mùa mưa thì khó. Chúng tôi đều lớn tuổi nên không thể dầm mưa đợi khách, khách cũng không chọn xe ôm mà đi nên mùa mưa thường chỉ ở nhà”.

Vi Xuân – Thuỳ Dương ( Tây Ninh Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: No coppy !!