Tây Ninh mùa nước lớn

Mùa nước nổi Tây Ninh (vâng, từ giờ xin gọi thế cho êm) không chỉ có loài hoa súng. Còn một loài hoa khác cũng làm choáng ngợp hồn tôi khi bất chợt thấy trên đồng. Ðấy là hoa rong, loài hoa này có sớm hơn, ngay vào đầu mùa nước nổi.

Mùa nước nổi trên đồng Tây Ninh. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Cho đến cuối tháng 11.2020, tức giữa tháng 10 âm lịch, ta có thể tạm thời kết luận:- Năm nay, không có lũ về!

Theo dõi dự báo thời tiết những tháng cuối năm, tôi thấy chỉ có lần vào khoảng tháng 10 là có nước lên tới mức 1,2 mét. Ðấy là trên sông Vàm Cỏ Ðông tại trạm Gò Dầu. Ðến cuối tháng 11, chỉ còn mực nước từ 0,65 mét đến 0,7 mét mà thôi. Tôi cũng có ý ngóng chờ 3.10 âm lịch bởi có câu dân gian để lại: “Ông tha mà bà chẳng tha/ Vẫn còn con lũ mùng 3 tháng 10”. Vậy mà mùng 3 cũng đến và đi lặng lẽ, chẳng để lại dư âm nào trên sông rạch Tây Ninh.

Nhưng thật là may, bởi Tây Ninh vẫn còn mùa “bìm bịp kêu con nước lớn ròng”. Ra rạch Tây Ninh vẫn thấy nước lên, có lúc mấp mé hẻm số 3 đường Trưng Nữ Vương- con đường đến vườn chim cò ở TP. Tây Ninh. Quanh vườn chim, nước vẫn còn láng lai ngập những chân ruộng trũng quanh vườn. Người ta cũng đã cắm đăng bắt cá.

Năm nay có thêm bác chăn vịt chạy đồng, đưa vịt về nuôi ngay trên cái gò trước có mấy cây ổi hoang. Bác bảo có một ngàn con vịt cỏ, nuôi để lấy trứng thôi. Những ngày đầu vịt còn đẻ ít, chỉ chừng 100 trứng mỗi ngày. Phải đợi cả tháng nữa may ra mỗi ngày mới có được vài trăm trứng bán. Bác cũng dự định chỉ ở đây chừng hơn tháng, rồi đi. Ði tìm những vùng nước ngập ven sông rạch khác trong mùa con nước lớn.

Gặt lúa mùa nước lớn. Ảnh: Huỳnh Ðông

Năm 2020 là năm thật khắc nghiệt với “khúc ruột miền Trung”. Hơn 10 cơn bão và nhiều ngày liên tục mưa to gió lớn. Xem những quang cảnh thật kinh hoàng về lũ quét, lở núi vùi lấp bản làng, kể cả doanh trại bộ đội mà lòng thấy phân vân.

Rằng không biết mùa nước lớn quê mình có đáng gọi là lũ hay không nữa? Vì sông rạch Tây Ninh thường chỉ dâng lên rất từ tốn, không thành dòng chảy xiết hay nước xoáy, không sùng sục cuốn đi mọi thứ trên đường.

Lũ chỉ được ta phát hiện ra khi bất chợt nhìn xuống dòng rạch Tây Ninh, thấy nước đã lên ngập móng bờ kè. Dòng nước đã hồng lên sắc phù sa chầm chậm chảy. Hoặc một sớm kia đi qua những cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Ðông, thoáng ngạc nhiên rằng nước đã tràn bờ. Nước luênh loang ánh bạc trên các cánh đồng xa nằm hai mé bờ sông.

Ấp Cẩm Bình xã Cẩm Giang là một miền quê như thế, mà khi ta đi ngang qua cầu Bến Ðình là thấy lòng như được trải ra mênh mông, như dòng nước đã luênh loang trên khắp cánh đồng.

Tôi nhớ nhiều nơi đây, là vì giữa cánh đồng Cẩm Bình có nổi lên một cái gò Trao Trảo. Ðấy là cái tên đặt theo một loài chim thường về làm tổ trên gò. Giữa gò có một ngôi miếu ông Tà nho nhỏ. Cuối năm 1973 có một đơn vị bộ đội hành quân qua đây, bị địch phát hiện và gọi bom pháo, xe tăng đến bao vây tàn sát. Quân ta bị tổn thất nặng nề.

Sau hoà bình, hài cốt các anh đã được quy tập về các nghĩa trang nhiều đợt, cộng lại là trên 70 đồng chí. Nhưng dân quanh vùng và kể cả các “nhà ngoại cảm” vẫn chỉ chỗ cho thân nhân các liệt sĩ tới tìm.

Những người dân có đạo Cao Ðài từng chôn cất các anh sau này đã lập nên ngôi miếu nhỏ thờ ngay trong khu miếu ông Tà. Họ lấy ngày 7.10 âm lịch (năm nay là 21.11.2020) làm lễ giỗ. Lần này, có cựu chiến binh cho biết là đến nay đã lên tới 98 bộ hài cốt được tìm thấy. Vậy nên, ý nguyện của Hội Cựu chiến binh xã cũng như bà con xã Cẩm Giang là lập bia ghi danh những người đã hy sinh.

Tháng 11. Vậy cũng là vào mùa nước nổi. Quy luật của dòng sông không đổi thay đã biết bao đời. Cho đến hôm nay, dù có năm không có lũ về nhưng con nước lớn vẫn dâng lên tràn bờ khiến hàng trăm héc-ta ruộng đồng bao quanh gò đã mênh mông nước nổi. Thảo nào dân địa phương còn một tên gọi nữa là bưng Trao Trảo. Có lúc tôi đã hoang mang tự hỏi:- không biết có phải vì máu xương chiến sĩ mà năm nào đồng bưng cũng nở đầy hoa?

Sông Vàm Cỏ Ðông tháng 11.2016

Vâng, đấy là các loài hoa nước đồng loạt bừng thức dậy sau cả một năm chờ đợi. Ðể đến khi nước về là chúng trổ lên từ những lớp bùn sâu lắng đọng phù sa. Súng trắng, súng hồng miên man xen kẽ. Có cả loài hoa trắng chỉ nhỏ như chiếc cúc áo. Mà không chỉ hai bên con đường nối quốc lộ 22B tới cầu Bến Ðình đâu, năm nay tôi còn phát hiện ra cả một cánh đồng bưng phía sau gò mới thật là mênh mông hoang hoải.

Tĩnh lặng tuyệt đối và trong veo tuyệt đối, bởi không còn vấn vương xăng xe hay khói bụi đường. Lục bình ven bờ sông và rặng cây xa đã mờ dưới làn sương. Chỉ để tôn lên mênh mông một sắc tím hồng bất tử của loài hoa súng. Trong bối cảnh của ngày giỗ trận chung cho gần 100 chiến sĩ, tôi lại thấy bưng Trao Trảo như một bàn thiên lộng lẫy dưới trời xanh.

Mùa nước nổi Tây Ninh (vâng, từ giờ xin gọi thế cho êm) không chỉ có loài hoa súng. Còn một loài hoa khác cũng làm choáng ngợp hồn tôi khi bất chợt thấy trên đồng. Ðấy là hoa rong, loài hoa này có sớm hơn, ngay vào đầu mùa nước nổi.

Khi nước từ từ lên đã thấy hoa rong vàng thấp thoáng giữa những mảng bông súng trắng trước cổng chùa Gò Kén bên đường quốc lộ 22B. Xa thì đến Trảng Bàng qua Gia Bình rẽ lối ấp Bình Nguyên là đã thấy những mảng nước trời lấp lánhhoa rong.

Nhưng phải tới khi đi trên đường qua cầu Phao, nối An Thạnh sang Lợi Thuận huyện Bến Cầu vào giữa tháng 9.2019 thì tôi mới được thấy vẻ kiêu sa lộng lẫy của hoa rong. Ðấy là một trong vài tuyến đường quê đẹp nhất mà tôi từng biết. Mặt đường nhỏ, chỉ rộng chừng 5 mét, được láng bê tông nhựa êm ru. Ðường đẹp thì đẹp cả đến hàng cột điện đều tăm tắp chạy một bên, cho đến bờ cỏ lau phơ phất trên lề sỏi đỏ ven đường.

Vậy mà tôi không dám chạy xe nhanh, bởi có những cánh đồng ngập nước đã trải mênh mông một màu hoa rong vàng thắm. Vàng như mỡ gà, vàng như nắng sớm. Có chỗ ẩn dưới màu vàng miên man là những vệt hồng (phù sa hay nước váng phèn?). Nhìn gần, mỗi cây hoa rong chỉ là một cọng nhỏ như chân nhang nhô lên, trên đậu đôi cánh bướm vàng rung rinh nhỏ xíu. Vậy mà nhiều cánh bướm vàng tụ lại, chen chúc bên nhau đã trở nên một vùng nước, trời vàng rực giữa miền quê Bàu Gõ.

Tôi chợt nhớ, xứ này xưa đất mặn đồng chua, chỉ có đưng bàng là sống được. Cái xứ để lại câu ca còn đau đến bây giờ là “lấy chồng Bàu Gõ nước mắt nhỏ hai hàng/ Dọn mâm cơm để đó, giã chín neo bàng mới ăn…”. Bây giờ, xứ đưng bàng đã trở nên đất lúa. Bởi vậy mà đời hoa rong ngắn lắm! Chỉ vài tuần, để tới khi nước rút là người ta lại phăm phăm chạy những máy cày máy xới. Ở vài chân ruộng cao hơn, lúa Hè Thu đã lại lên xanh.

Bến Ðình Cẩm Giang mùa lũ 2016.

Tôi nhớ lại vài mùa nước lớn Tây Ninh. Gần thì vào năm 2018, nước về xô sạt đổ con đường bờ kênh ở trên ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Nhưng có lẽ mùa nước này chỉ có cục bộ ở vài nơi. Xa hơn thì có mùa nước năm 2016.

Năm ấy có sự kiện khánh thành cầu Bến Ðình nhân kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển. Khánh thành ngày 30.8, sau đó nước lên nhấn chìm con đường từ kênh 1 ra tới chân cầu. Con đường từ quốc lộ 22B ra tới cầu còn chưa kịp thi công, vẫn còn là đường đất đỏ. Người và xe lội lóp ngóp giữa đồng bưng đã lênh láng nước. Ðã vậy có vài bạn trẻ dân chài còn vui thích nhấn ga cho những chiếc vỏ lãi của họ vọt qua con đường ngập nước.

Xe ô tô tải cũng lầm lũi lội. Dân có ngay sáng kiến, đem xe máy cày ra chở người và xe máy. Những chuyến xe chung chiêng, ngật ngưỡng bò giữa dòng nước đỏ. Vậy mà khách trên xe ai cũng rạng rỡ cười. Có lẽ vì đấy là lần đầu họ được “quá giang” như vậy. Xuống xe, tôi chạy xe máy về trên quốc lộ. Dọc đường là những khung cảnh lạ thường. Ðến chùa Cẩm Phong, leo lên gác lầu cao 4 tầng, mới thấy nước đã ngập khắp các cánh đồng bên Long Chữ, Long Giang, Tiên Thuận. Không còn biết đâu là sông đâu là ruộng.

Chỉ thấy miên man nước lấp loáng dưới trời vần vũ xám màu mây. Qua Long Thành Nam, ghé Bến Ðình nơi có một xóm chài, thường ngày các hoạ sĩ bạn tôi hay đến vẽ. Nhà cửa quanh bến đã ngập, người vẫn đang kê gạch, gỗ lên cao để dọn đồ lên. Bến nước lao xao xuồng ghe, chài lưới. Từng mẻ cá tươi rói vừa vớt dưới sông lên. Cô gái giơ tay nhận lấy từ người con trai mới cập xuồng vào. Rồi các cô các chị xúm vào chọn, và chia ra từng chậu, từng xô tôm cá.

Thoáng chốc, chiếc xe máy đã lao đi, chở cá về các chợ. Tôi nhận ra mùa nước lớn Tây Ninh, ở các bến sông, các xóm chài chính là nơi vui nhất. Chẳng còn mùa nào họ được đánh bắt thoả thích và được nhiều như thế. Riêng điều này, có lẽ hoàn toàn giống với “Quê em mùa nước lũ” dưới miền Tây.

Mùa bông súng. Ảnh: Nguyễn Nhật Tường

Vậy mà Tây Ninh cũng đã từng có lũ. Lũ thật sự, mà Huỳnh Minh trong “Tây Ninh xưa” ghi lại là “khủng khiếp”, là “thiên tai thảm khổ”. Ông tả: “Mưa tuôn như thác lũ, đến nỗi trên Ðiện Bà (núi Bà Ðen) bị lở một đường dài từ trên dưới chân núi… Nước rạch Tây Ninh chảy xiết mạnh lên khỏi cầu Quan… Núi lở bề ngang 15m. Thành phố ngập lụt nặng đến 8 ngày liền…”.

Chỉ có chi tiết về thời gian có lẽ nhầm, vì ông ghi ngày có lũ là vào ngày 3 tháng 9 dương lịch năm 1952. Bởi theo một tờ mật điện của Tỉnh uỷ Gia Ninh gửi Phân liên khu uỷ miền Ðông báo cáo về cơn lũ lịch sử này được ký vào ngày 14.11.1952.

Báo cáo cho biết ở Trảng Bàng có: “220 nhà bị sập, chết 92 người, 2.100 cốt của giặc bị trôi. Bót cầu Xe gió cuốn bay tréo. Ruộng hai phần ba bị ngập. Tổng thiệt hại 300.000 giạ (lúa), bị hư đổ 500.000 giạ. Súc vật hư nhiều…”.

Tư liệu khí tượng thuỷ văn để lại có ghi mức nước rạch Tây Ninh mùa lũ năm 1952 cao đến 3,66m (mực nước tháng 11.2020 là 0,65- 0,7m). Nghĩa là cao hơn mặt nước hiện nay tới 3 mét. Dĩ nhiên là nước ngập gần hết các phố quanh Toà hành chính (UBND) tỉnh; nhất là ở bên bờ Tây rạch Tây Ninh.

Nhiều sách lịch sử, kể cả “Tây Ninh xưa” đã ghi lại trận lũ lịch sử này. Tuy vậy, ở cuốn “Truyền thống cách mạng của phụ nữ Tây Ninh” mới có chi tiết rất lạ. Ðấy là việc chống đói ở các vùng ngập lũ. Trong đó có việc phải tìm ăn cả lúa tre.

Do tre năm ấy bỗng ra bông và đậu hạt khá nhiều, bà con hốt về một giạ hột tre chọt ra được 10 lít gạo, đem nấu lên ăn cũng giống hạt bo bo. Ai cũng đã biết, tre ra bông thì sau sẽ chết. Vậy là cây tre thuỷ chung cũng đã hy sinh để giúp người Tây Ninh sống qua mùa lũ để bền gan kháng chiến. Lạ kỳ không?

Chẳng bao lâu nữa, khi con nước nổi cuối cùng rút đi, người nông dân lại tiếp tục cày bừa, gieo sạ lúa Ðông Xuân. Cho đến giáp tết thì lúa đã lại nõn nà xanh trên các cánh đồng nước nổi ven sông.

Nguyễn Quốc Việt ( Tây Ninh Online )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: No coppy !!