Suối Dây – Chim Đậu Đất Lành

Suối Dây tuy là một xã vùng sâu nhưng lại sát vách trung tâm huyện lị, ranh giới tự nhiên chính là con suối Tha La, từ ngã tư Đồng Pal theo trục đường 795 chạy đúng 10km là tới. Bốn mươi năm trước đây, Suối Dây là “anh em” với xã Tân Thạnh, nay là “khúc ruột” liền với Thị Trấn Tân Châu.

Có thể nói, Suối Dây với tư cách là xã thì tuổi đời chỉ “trạc ngoại tứ tuần”, nhưng về lịch sử thì mảnh đất này có từ khá lâu đời, chứ không phải là vùng đất mới. Trước thế kỷ XIX cho tới khi vua Minh Mạng lập phủ Tây Ninh (1836), thì nơi đây chủ yếu là rừng già, chỉ có vài phum sóc của người Khmer sinh sống, ngày nay còn vài dấu tích như Sóc Xoài, Sóc Chùa trong khu ấp của bà con người Chăm ở. Từ sau năm 1863, khi Pháp bắt khai thác và sắp đặt lại các đơn vị hành chính Tây Ninh cho đến năm 1896, khi hoàn thành bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh, thì Suối Dây là vùng đất “trống” nằm giữa hai tổng Bang Chrum và Hàm Ninh Thượng, nhưng phần nhiều thuộc về Hàm Ninh Thượng. Năm 1900 tỉnh Tây Ninh được thành lập, vùng Suối Dây vẫn thuộc tổng Hàm Ninh Thượng như cũ. Nhưng năm 1930 thành lập quận Thái Bình thì tổng Hàm Ninh Thượng lại thuộc về quận Thái Bình. Năm 1942 quận Thái Bình lại đổi tên thành quận Châu Thành, và đến năm 1959 thì quận Châu Thành lại chia làm hai quận mới là Phước Ninh và Phú Khương, lúc bấy giờ phần đất Suối Dây lại thuộc về quận Phú Khương. Về phía chính quyền Cách Mạng, thì năm 1951 huyện Dương Minh Châu được thành lập ở vùng căn cứ kháng chiến hay còn gọi là Chiến khu C, Chiến khu Dương Minh Châu, với 7 xã, và lúc bấy giờ phần lớn đất Suối Dây thuộc về Căn cứ Đồng Rùm một thời gian khá dài. 

Trong thời tiền chống Pháp, rừng Suối Dây có địa thế hiểm yếu quan trọng, và được nghĩa quân của Trương Quyền ( con trai của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định) chọn làm căn cứ để chống giặc ngoại xâm. Trong sách Chống Xâm Lăng của GS Trần Văn Giàu có viết: “ Quân khởi nghĩa phải rút về vùng Suối Giây nghèo nàn, dân thưa, lúa ít ở phía bắc Tây Ninh, rồi rút về phía Stung treng, Samboc gần biên giới Lào. Ngày 28.7.1867, căn cứ Suối Giây bị địch phá… Nghĩa quân Việt Nam bắt buộc phải rút lui từng toán nhỏ xa dưới vùng Hậu Giang…”( sđd trang 212, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh – 2017).

Trong Thơ điếu Trương Công Định, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cũng nhắc tới việc Trương Quyền con trai của Trương Định lên Tây Ninh thay cha tiếp tục kháng chiến. Bài thơ rất cảm động.

“Đâu vầy sấm chớp nổ thình lình
Gió bặt thêm buồn mấy đạo binh
Ngựa trạm xăng văng miền Bắc khuyết
Xe nhung ngơ ngẩn cõi Tây Ninh
Bài văn phá lỗ cờ chưa tế
Tấm bảng phong thần gió đã kinh
Trong cuộc còn nhiều tay tướng tá
Lời nguyền trung nghĩa há làm thinh”

( Bài XI, trang 159-160, Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, NXB Giáo dục giải phóng- 1973)

Sau 1975 các khu Kinh tế mới (KTM) trong tỉnh lần lượt được thành lập. Năm 1977, khu KTM Suối Dây ra đời, trực thuộc huyện Tân Biên quản lý. Đến năm 1979 thì khu KTM Suối Dây được nâng cấp lên thành xã Suối Dây, nhưng sau đó đến năm 1982 thì lại chuyển xã Suối Dây qua cho huyện Dương Minh Châu quản lý. Mãi đến ngày 13-5-1989 Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ra Quyết định số 48/HĐBT thành lập huyện Tân Châu thì xã Suối Dây mới chính thức về với huyện mới cho đến ngày hôm nay. Có thể nói, xã Suối Dây tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng đã từng trải qua nhiều quận huyện khác nhau trong lịch sử.

Suối Dây hiện nay là một xã lớn với diện tích tự nhiên 114,10km2 (lớn hơn thị xã Hòa Thành 31,18km2 ), có 8 ấp dân cư với hơn 12000 nhân khẩu / 3536 hộ. Quan sát trên bản đồ Tây Ninh (TL1:70.000) ta thấy Suối Dây có tới bốn ấp (3,5,6,7) giáp với sông nước, chính vì vậy mà diện tích đất bán ngập, mặt nước sông hồ và đất rẫy chiếm tỉ lệ rất lớn so với các khu dân cư còn lại. Điều này phần nào góp thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của xã từ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, đất Suối Dây chủ yếu là đất đen và đất xám, cho nên rất phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau, điều này dễ dàng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tương lai nếu có điều kiện nhất định cho phép. Đường giao thông có trục chính 795 xuyên suốt qua xã từ Thị Trấn đến giáp đường 794 hướng Bổ Túc – Suối Ngô. Nếu trục đường 795 này được nâng cấp, mở rộng thì Suối Dây sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Bởi đây là con đường quan trọng để giao thương mọi mặt từ các xã Tân Thành, Suối Ngô, Tân Hòa qua Suối Dây để ra trung tâm huyện và đi các nơi khác.

Hồi ức lại giai đoạn năm 1998, khi đưa vài bạn sinh viên mới ra trường về đây công tác, nhìn khung cảnh thật là ám ảnh. Con đường từ cầu Tha La vào Suối Dây còn đầy những hang ổ, nắng bụi mưa lầy, hai bên đường le còn rất um tùm, cảnh vật đậm chất quê mùa vắng vẻ. Các khu dân cư cũng rất nghèo nàn, thưa thớt. Ấy vậy, nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ từ chính quyền địa phương đến các tầng lớp nhân dân, bắt nhịp kịp thời những điều kiện, cơ hội mới, đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt Suối Dây như ngày hôm nay. Nhớ cách nay đúng 10 năm, ngày 25-1-2011 Suối Dây được vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng III do Chủ tịch nước trao tặng. Đó là động lực không hề nhỏ để toàn thể nhân dân Suối Dây tiếp tục phấn đấu vươn lên. Trong những năm gần đây, cây mì, cây mía và cây cao su luôn là thế mạnh của vùng đất này. Bên cạnh đó, công việc chăn nuôi bò thịt, dê nhốt chuồng cũng rất được nhiều bà con áp dụng, đạt hiệu quả cao. Khu ấp 6 Cầu Sập từ khi xây dựng Nhà máy điện Mặt trời đã chuyển mình trông thấy rõ. Khu ấp Chăm trước kia hiu quạnh bao nhiêu thì bây giờ đổi mới bấy nhiêu. Bà con Chăm hiện nay hầu hết vừa canh tác, chăn nuôi ở địa phương vừa đi làm công nhân cho các khu công nghiệp trong tỉnh. Tận dụng được các nguồn lao động hợp lý nên đời sống bà con phát triển thấy rõ. Vào ấp Chăm hôm nay ta thấy thánh đường Islam thuộc hàng đẹp nhất tỉnh, nhà cửa xây cất hiện đại, sạch sẽ khang trang. Hình ảnh ấp Chăm nheo nhóc trâu bò, xập xệ, sình lầy đã đi vào dĩ vãng.

Cuối năm 2021, Suối Dây cố gắng phấn đấu đạt xã Nông thôn mới. Hiện các con đường liên ấp đang gấp rút thi công nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa được bà con hết sức hoan nghênh và phấn khởi. Chợ Suối Dây gần đây đã được xây dựng lại mới hoàn toàn, nên từ không gian mua bán của các hộ tiểu thương đến không khí sinh hoạt chợ cũng hoàn toàn khác xưa. Về lĩnh vực giáo dục, Suối Dây hiện nay có đủ các cấp bậc từ Mẫu giáo đến THCS. Năm 2014 Trường THCS Suối Dây được công nhận chuẩn quốc gia. Mới đây, tháng 1-2021 sáp nhập thêm THCS Bổ Túc, hiện tại Trường THCS Suối Dây là ngôi trường cấp II lớn nhất huyện với hơn 1000 HS/28 lớp.

Nói đến Suối Dây là nói đến mảnh đất nghĩa tình. Suối Dây tuy chưa gọi là giàu, nhưng lòng nhân ái nghĩa tình thì luôn bao la thắm đượm. Người dân ở đây, đa số sống rất hiền hòa chân thật, sẵn sàng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau mọi nơi mọi lúc. Về phía chính quyền, trước đây, có những con người luôn hết lòng phục vụ nhân dân như ông Đinh Văn Hoành, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh… và bây giờ cũng thế, các đoàn thể chính quyền xã luôn là chỗ dựa đáng tin cậy của dân. Bên cạnh đó, Suối Dây còn có rất nhiều nhà hảo tâm, những “Mạnh Thường Quân” chân chính như ông Trương Văn Sơn, bà Nguyễn Thị Đẹp, ông Danh Eo… họ sẵn sàng trợ giúp những ai gặp hoàn cảnh khó khăn, những hộ nghèo, những mảnh đời bất hạnh…luôn tiếp sức con em trong xã vui bước đến trường bằng những việc làm hết sức thiết thực. Một điểm đặc biệt khác của Suối Dây mà các xã khác không có, đó là nơi đây không khác gì một “Trung tâm tôn giáo”. Hiện trong địa bàn xã có Tịnh xá Ngọc Lê (hệ phái Khất sỹ của Phật giáo) và nhà thờ Thiên Chúa giáo tọa lạc ở ấp 1, cơ sở thờ tự rất hoành tráng; thánh thất Cao Đài ở ấp 4; thánh đường Hồi giáo ở ấp Chăm cũng rất đẹp. Các tôn giáo ở Suối Dây luôn thực hiện tốt phương châm “Tốt đời đẹp đạo”, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục đạo đức, lối sống và từ thiện cho mọi người dân.

150 năm trước, Suối Dây từng là căn cứ kháng Pháp. Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nơi đây cũng hứng không ít mưa bom bão đạn. Hơn 40 năm qua, Suối Dây đi từng bước chậm mà chắc. Ngày nay Suối Dây là mảnh đất đang hứa hẹn nhiều tiềm năng để phát triển nhiều mặt. Bao lớp người đã đến đây, bám trụ làm ăn sinh sống và chung tay xây dựng vùng nông thôn này ngày thêm rạng rỡ, có khác chi chim đậu đất lành.

ĐÀO THÁI SƠN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: No coppy !!