Nghị lực của người phụ nữ chăm chồng tâm thần, nuôi 2 con ăn học

Đến tổ 10, ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành hỏi về bà Nguyễn Thị Thu Trang (sinh năm 1972) ai cũng biết và khâm phục. 20 năm qua, bà cố gắng từng ngày để chăm chồng bị tâm thần, nuôi hai con ăn học.

 

 

Dù cuộc sống vô cùng khó khăn, bà Trang vẫn nỗ lực chăm sóc chồng.

Vừa chăm sóc người chồng tâm thần, bà Trang ngẹn ngào kể về những ngày tháng khó khăn chồng chất, tưởng chừng như không thể vượt qua. Vào năm 1995, ông bà lấy nhau, vốn liếng khởi nghiệp gần như không có gì ngoài một căn nhà gạch 25m2 trên đất mẹ chồng cho ở tạm. 

Ông Nguyễn Nguyên Vũ- chồng bà Trang sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm về dạy học ở trường làng. Hai vợ chồng ra sức làm lụng, sớm khuya tảo tần nuôi hai đứa con ăn học.

Cứ ngỡ cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua, nhưng vào đầu năm 2002, ông Vũ bỗng dưng phát bệnh. Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết ông bị bệnh tâm thần. Hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền chạy chữa kịp thời nên bệnh của ông ngày càng nặng. Nhà ít người, bà Trang đành phải để chồng điều trị ngoại trú tại nhà, hằng tháng đưa đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Thành phố Hồ Chí Minh tái khám. 

Từ khi ông mắc bệnh, mọi gánh nặng trong gia đình đổ dồn lên đôi vai bà Trang. Nhớ lại những ngày tháng gian nan ấy, bà nói: “Hằng ngày, tôi phải cho chồng uống thuốc đều đặn 2 lần, nếu không sẽ lên cơn phá phách đồ đạc trong nhà hoặc đi lang thang ra đường rất tội”.

Trước đây, gia đình bên chồng cho mượn 1 công đất trồng rau màu, thu nhập từ mấy luống rau cùng với khoản tiền trợ cấp cho ông Vũ, tổng thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng. Từ năm 2020, số đất bên chồng cho mượn trồng rau bán cho người khác, không còn đất sản xuất, không có thu nhập, cảnh nhà cứ thiếu trước hụt sau. 

Biết được hoàn cảnh của bà Trang, UBND xã cũng tạo điều kiện cho bà làm tạp vụ, nấu cơm cho cán bộ, nhân viên ăn trưa, mỗi tháng hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra, khi có ai mướn việc gì bà đều nhận làm, từ dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cho đến làm cỏ… 

Bình quân thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. “Thật may mắn khi bản thân còn sức khoẻ tốt, ít ốm đau bệnh tật, có điều kiện để lao động lo cho gia đình. Tôi không dám đi làm xa, sợ bỏ chồng ở nhà một mình, có điều gì bất trắc thì hối hận cả đời, chỉ phụ việc cho bà con lối xóm gần nhà”. Bà Trang cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hoa, một người hàng xóm cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy, nhưng chị Trang không than vãn với bất cứ ai. Mỗi khi đến bữa ăn, anh Vũ nhất quyết không chịu cho ai đút, riêng chị Trang thì anh mới đồng ý. Chị là tấm gương của sự nỗ lực, chịu thương chịu khó”.

 

 

Những lúc phát bệnh, ông thường đập phá đồ đạc trong gia đình.

Hoàn cảnh khó khăn nhưng bà Trang không có ý định cho con nghỉ học, bởi theo bà gia đình có thể nghèo về kinh tế nhưng không thể để các con nghèo về tri thức. Bà cố sức làm việc kiếm tiền, chi tiêu tiết kiệm để lo cho các con. Thương mẹ, hai cô con gái luôn chăm chỉ học hành. 

Con gái lớn sau khi tốt nghiệp THPT, thi đậu vào Trường đại học Văn Lang. Khi thấy ba bệnh tình ngày càng nặng, em đành tạm nghỉ học, bảo lưu kết quả về phụ mẹ, gia đình tạm ổn sẽ đi học lại. Cô con gái nhỏ hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Ngoại ngữ – Tin học.

Ông Nguyễn Văn Huy- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Long chia sẻ: “Bà Trang là gương phụ nữ có nghị lực phi thường, cố gắng vượt lên số phận. Dù chồng bị bệnh tâm thần nhưng 20 năm qua bà vẫn cố gắng làm việc để chăm sóc chồng, nuôi con khôn lớn, học hành”.

Nhìn ngôi nhà nhỏ mới được Chi đoàn Thanh niên Công an huyện Châu Thành sửa sang lại, những tờ giấy khen của hai cô con gái được dán trên góc tường, chúng tôi khâm phục nghị lực của người phụ nữ mạnh mẽ, càng hy vọng mọi nỗ lực của bà sẽ được đền đáp xứng đáp.

Phương Thảo – Hà Quang  (Tây Ninh Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: No coppy !!