Có người nông dân chia sẻ rằng khi những cơn mưa nặng hạt, trên những cánh đồng nước dâng trắng xoá, cá cũng “mừng nước” mà về.
Giăng lưới bắt cá trên đồng Thanh Điền, Châu Thành. Ảnh: Đặng Hoàng Thái
Có người nông dân chia sẻ rằng khi những cơn mưa nặng hạt, trên những cánh đồng nước dâng trắng xoá, cá cũng “mừng nước” mà về. Mùa này, khi ngang qua ruộng những vùng nước ngập, ta dễ thấy những chiếc dớn lặng yên, mỗi chiều hoặc trưa sẽ được giở lên, sẽ mang nhiều cá, ốc hay cua. Những con cá, cua, tép đồng hiện nay với nhiều người không chỉ là món ăn mà còn là ký ức của những ngày xưa. Mùa này, những người làm cá cũng thấy nhàn hơn.
Vị cá đồng
Chị Phạm Thị Thanh Tâm, 37 tuổi, ngụ phường 2, Thành phố chia sẻ: mỗi năm mùa này chị hay tìm mua cá đồng cho bữa cơm của cả gia đình. Chị nói ở phố không dễ mua và chỉ mua của người quen mà thôi, vì như vậy không sợ nhầm lẫn. Mỗi lần mua được ít cá hay tép đồng, chị lại nấu những món dân dã, quen thuộc với gia đình. Chị nói: “Dù không cầu kỳ, chỉ là món kho với nghệ, canh chua, gỏi hay cá con um cũng ngon lắm rồi”.
Chị Tâm nói mình thích cá đồng vì thịt cá dai, ngọt và thơm. Với chị, cá đồng không chỉ là món ăn mà còn là vị của những ngày thơ. Chị Tâm sinh ra ở quê, đến giờ, những ký ức xưa cũ chưa phai. Chị nhớ những ngày sau mưa xách đụt (một loại dụng cụ đựng cá) theo cha ra đồng.
Có hôm được mớ cá, có hôm không được con nào. Chị bộc bạch: “Tôi nhớ những ngày mưa, trong căn chòi giữ rẫy, bữa cơm được quây quần cùng tía má, vị cá đồng thơm ngon, béo ngậy”. Giờ bận bịu với công việc, mùa của ngày xưa chỉ còn là ký ức, nhưng vị cá đồng vẫn theo chị đến tận bây giờ.
Chị Đặng Thị Mộng Thường, 33 tuổi (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) chia sẻ, những ngày qua, khi có thời gian rảnh, chị lại ra ruộng xem người ta thả vó và bắt cá. Chị nói: “Tôi mê đi coi người ta làm cá sau những ngày mưa to, ở ruộng đông người hơn, không khí rất sôi nổi. Mỗi năm chỉ có một mùa nên rất thích, thoải mái và bình yên”.
Chị Thường xa quê nhiều năm, năm nay có thời gian về quê ở lâu do dịch bệnh, chị được thoả thích với những món cá đồng mua từ buổi chợ sớm. Những mẻ cá kho nghệ thơm lừng, bắt mắt hay những bữa cá con um cuốn bánh tráng, cả nhà cùng quây quần thật nhiều kỷ niệm.
Ông Nô ra đồng bắt cá.
Mưu sinh từ đồng ruộng
Ở ấp Long Giao, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu có những người bám ruộng mưu sinh. Trong căn nhà nhỏ, ông Bùi Văn Nô, 61 tuổi kể: ông làm nghề bắt nhái bán và cắm câu. Từ độ tháng 3, tháng 4- khi những cơn mưa đầu mùa rớt hạt, là lúc ông bắt đầu đi bắt nhái.
Mỗi ngày từ 18 giờ, ông vác “đồ nghề” rảo quanh bờ ruộng, vườn cao su để tìm săn nhái. Thức dậy thật sớm làm thịt nhái để kịp bán buổi chợ sáng. Cứ như vậy nhiều năm qua, cái nghề này nuôi sống gia đình ông.
Hơn một tháng nay, mưa nhiều, nước ngập trắng đồng, ông Nô lại có thêm việc mới là giăng lưới ngoài ruộng. “Những ngày mưa to, cá về nhiều hơn ngày thường. Mình vui hơn khi bắt được nhiều cá”- ông Nô chia sẻ. Cá lóc, trê theo nước về giúp ông giăng lưới được nhiều cá hơn, có thêm thu nhập lo cho gia đình. Nhìn trời trong xanh, ông có chút lo vì mưa bắt đầu ngưng, chắc không đến một tháng nữa nước sẽ rút, nhái không có nữa.
Cách đó không xa la nhà bà Bùi Thị Xuân Hương (59 tuổi), em gái ông Nô. Trong khuôn bếp nhỏ, bà Hương đang chuẩn bị bữa cơm trưa, cá rô phi vừa bắt hôm trước được chiên vàng cho bữa trưa.
Nhiều năm qua, bữa cơm nhà bà chưa lúc nào thiếu cá. Bà Hương vừa chụm củi vừa kể rằng, vợ chồng bà sống bằng nghề làm cá trên sông Vàm Cỏ gần 20 năm. Những ngày đó, 2 vợ chồng, người bơi xuồng, người quăng và gỡ lưới cùng tần tảo nuôi hai con nhỏ.
Hai năm nay sức khoẻ yếu, bà không còn theo chồng đi làm cá nữa, một mình ông vẫn bám nghề. Bà Hương cho biết đã gắn bó nhiều năm, nay nghỉ ở nhà bà nhớ nghề lắm, mỗi ngày đều trông chờ những chuyến cá về.
Những ngày sau mưa, cá sẽ nhiều hơn. Mỗi ngày, vợ chồng bà Hương kiếm được hơn trăm ngàn đồng với nghề lưới cá, cũng có ngày không có thu nhập vì cá ít, chỉ đủ bữa cơm gia đình. Gần hai mươi năm, vợ chồng bà vẫn bám nghề vì nó nuôi sống cả gia đình.
Cá con được mọi người yêu thích.
Theo bà Hương, thường thì lưới cá trên sông, còn vào mùa nước nổi hằng năm sẽ không phải đi xa, những ruộng nước gần nhà có nhiều cá, tép. Từ khoảng tháng 9 âm lịch, nước ruộng dâng, cá theo về, việc mưu sinh của vợ chồng bà nhẹ gánh hơn khi chỉ giăng lưới gần nhà, và lúc nào cá cũng nhiều hơn thường ngày, thu nhập tốt hơn. Sang tháng 11 nước rút, ruộng trồng lúa, chồng bà Hương lại dạt ra sông, việc kiếm cá vất vả hơn.
Sống ở đồng, nghề giăng lưới không mang lại thu nhập cao, nhưng mỗi ngày không lo thiếu thức ăn, nhất là trong mùa nước nổi. Ở quê, mùa nào thức ấy, mùa nước lên và cá đồng trở thành món được săn đón.
Vi Xuân
Nguồn: Tây Ninh Online