BTN – Lễ vật cúng ông Táo ở Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng rất bình dân, gồm có bình bông thọ, dĩa trái cây, dĩa thèo lèo cứt chuột, xôi, chè thường là chè xôi nước (còn gọi là trôi nước) hoặc chè đậu, trà, nước, nhang, đèn, đặc biệt là phải có bộ giấy cúng ông Táo.
Người dân thị xã Trảng Bàng mua giấy cúng ông Táo. Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27.4.2021
Trong mỗi gia đình ở Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng, bên cạnh ban thờ gia tiên, thần độ mạng, ông Địa hay ban thờ theo niềm tin tôn giáo thì còn có ban thờ ông Táo. Ông Táo- còn gọi là Táo Quân hay Vua Bếp- được tôn là “Phật Táo” hay “Đệ nhất gia chi chủ” (đứng đầu trong tất cả các gia thần), vị phúc thần bảo hộ cho con người trong quan niệm của dân gian, trông coi việc bếp núc, củi lửa và có quyền định tội – phước cho các thành viên trong gia đình.
Với miền Bắc và miền Trung, thờ ông Táo theo sự tích Hai ông một bà. Ở miền Nam, cho đến đầu thế kỷ XIX vẫn duy trì tập tục thờ bộ ba ông Táo truyền thống như miền Bắc và Trung, ở hai bên tả hữu là Táo ông, ở giữa là Táo bà.
Đến đầu thế kỷ XX, do sự giao lưu văn hoá của cộng đồng người Việt và cộng đồng người Hoa ở mảnh đất phương Nam dần phổ biến thờ ông Táo họ Trương tên Đan, tự là Tử Quách cùng hai vị hầu cận phụ tá bên ông Táo là Tả Mạng thần quan có nhiệm vụ ghi sổ công và Hữu Mạng thần quan có nhiệm vụ ghi sổ tội, trông coi việc sống lâu hay chết trẻ, phú quý hay bần hàn của mỗi nhà.
Tây Ninh là vùng đất có người Hoa, người Minh Hương đến định cư, lập nghiệp từ rất sớm nên trong nhiều gia đình người Việt và người Hoa tại địa phương cũng thờ ông Táo Trương Đan. Ban thờ ông Táo trong các gia đình ở Tây Ninh xưa thường được đặt ở nhà trên, nơi vị trí trên cao của gian giữa nhà hay ở chái bên Tây (chái nhà trên), một vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà.
Về sau, ban thờ ông Táo thường được đặt ở gian bếp. Một số đình, chùa, miếu ở Tây Ninh có thờ ông Táo, được đặt ở nhà trù (nhà bếp) hay thờ chung tại ban thờ Giám Trai sứ giả ở chùa. Ông Táo thường được thờ trong khám, trang thờ hoặc ghế nghi hay tủ thờ. Trên ban thờ ông Táo có bài trí bài vị hoặc tranh ông Táo, lư hương, chung cúng nước, bình bông, dĩa trái cây (đặt theo lối Đông bình Tây quả), đèn dầu, cũng có nhà đặt thêm bộ lư đồng.
Bài vị thờ ông Táo thường được viết bằng mực Tàu, mực nhũ vàng trên giấy hồng đơn, chạm trên gỗ hay bằng tranh kiếng có nội dung: “Thần Táo”, “Định Phước Táo Quân”, “Đông Trù Tư Mệnh”, “Táo Quân Tư Mệnh”, “Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quan (có nơi viết là Quân)”…
Ở xóm Lò Rèn (nay thuộc phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng), ông Táo được thờ cùng bài vị với Tổ Lò – Tổ Nghề rèn, bởi ông Táo có chức năng trông coi việc củi lửa, ngoài ra, chữ “Táo” trong Hán tự do bộ “hoả” và bộ “thổ” tạo thành nên còn được hiểu là “lò bếp”.
Ở Tây Ninh cũng có một số gia đình thờ tranh kiếng ông Táo Trương Đan, đa phần thuộc dòng tranh kiếng vùng Chợ Lớn, tiêu biểu hiện nay tại chùa Phước Lưu (thị xã Trảng Bàng) còn bức tranh kiếng có niên đại vào khoảng những năm 1960 vẽ ông Táo mặc quan phục, tay cầm hốt, ngồi trên ngai nghiêm nghị với khuôn mặt đen “thiết diện vô tư” và hai bộ hạ văn – võ hầu cận, một vị cầm chuỳ và một vị cầm ấn “Táo Quân”.
Trên bài vị hay hai bên trang thờ ông Táo thường có cặp đối có nội dung “Hữu đức năng tư hoả/ Vô tư khả đạt thiên”, “Thụ sắc Thiên Đình phong Tư Mạng/ Thừa truyền Ngọc Đế chức Đông Trù”, “Táo cấp tuân tu nhơn tráng kiện/ Quân ban phước lộc ốc khương trang” chữ đầu của mỗi câu ghép lại là “Táo Quân”.
Bước qua mùa đông, các hoạt động chuẩn bị tết dần được bắt đầu, theo kinh nghiệm dân gian, cuối tháng 9 (âm lịch) cắt đọt bông trang, 20 tháng 10 ngắt lá bông giấy, rằm tháng 11 trồng bông vạn thọ, đầu tháng Chạp thì chạp mộ, đến rằm nhớ lặt lá mai, ngày 23 đưa ông Táo…
Vào ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) hằng năm, nhà nhà bày lễ đưa ông Táo về chầu trời, trình tấu mọi việc và công – tội của thế nhân trong một năm vừa qua để Ngọc Hoàng Thượng Đế ban phước – giáng hoạ. Lễ cúng này gọi là “đưa ông Táo”, “tiễn Táo” hay “tống Táo”, nên trong dân gian có câu: “Hăm ba ông Táo về trời, bình vôi ở lại chịu đời đắng cay”.
Lễ vật cúng ông Táo ở Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng rất bình dân, gồm có bình bông thọ, dĩa trái cây, dĩa thèo lèo cứt chuột, xôi, chè thường là chè xôi nước (còn gọi là trôi nước) hoặc chè đậu, trà, nước, nhang, đèn, đặc biệt là phải có bộ giấy cúng ông Táo. Về sau, nhiều nhà còn cúng mâm cơm canh rất thịnh soạn.
Cúng ông Táo thường có đồ ngọt với ngụ ý của gia chủ mong rằng ông Táo về trời tấu trình lời ngọt ngào về những việc tốt, việc hay của gia đình trước Ngọc Đế để ngài ban phước. Khi mua giấy cúng ông Táo, người ta thường bán hai bộ, một bộ ông Táo đi và một bộ ông Táo về, trong bộ giấy này có áo, mão, tiền, vàng, sớ Táo Quân… đặc biệt là tấm giấy được in từ mộc bản hình “cò bay ngựa chạy” theo nghĩa ngựa chở ông Táo đi đường bộ, rồi cưỡi cò bay về trời.
Việc dùng ngựa và cò làm phương tiện di chuyển cho ông Táo cũng tương tự như nghi thức “xá mã, xá hạc” trong khoa nghi ứng phú của Phật giáo, ngựa (mã) và hạc là vật cưỡi của sứ giả khi về Tây phương dâng sớ chương lên Phật tổ Như Lai.
Về sau này, do ảnh hưởng từ miền Bắc, trong bộ đồ cúng xuất hiện thêm con cá chép bằng giấy hoặc gia chủ mua con cá chép thật về cúng rồi đem ra sông thả với quan niệm cá chép có thể vượt vũ môn để hoá rồng đưa ông Táo về trời.
Giờ cúng đưa ông Táo, có nhiều nhà cúng vào khuya 12 giờ ngày 23, hay sau khi nấu nướng xong lau dọn bếp sạch sẽ rồi cúng hoặc cũng có người quan niệm cúng sớm để ông Táo về chầu sớm. Dâng hương trước ban thờ ông Táo, gia chủ cầu nguyện ông Táo gia ân xá tội cho mọi lầm lỗi trong năm qua gia đình đã lỡ sai phạm, cầu xin ông Táo phù hộ cho toàn gia sức khoẻ dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý… thường gọi là “khấn Nôm”, tức cầu nguyện những gì mình mong muốn, tự nghĩ ra khi cúng mà không theo một văn bản cố định.
Trong đờn ca tài tử có bài nói về ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo như này: “Mỗi độ đông tàn, đến tháng Chạp hai mươi ba, Táo ta thôi nấu nướng, tắm rửa bảnh bao, được quét lau phủi chùi cẩn thận, rửa chân ngồi lên mâm cúng, bánh tét, bánh chưng, chuối, chè, đậu, xôi, ôi bày đầy bàn khói hương rộn ràng, cùng nhau vui vầy đón một mùa xuân, khấn lạy bốn phương trời, cầu nguyện sống an lành, hoà niềm vui tình thương chứa chan, hai mươi ba tiễn chân ông Táo, dự hội ở Thiên cung, vái van với ơn trên, cầu mùa xuân bình yên thế gian, cầu gia đình ấm êm giàu sang, bán buôn tiền vô như nước, hiển vinh, trường thọ bách niên”.
Trong ngày 23 tháng Chạp này, ở các chùa Phật giáo thực hiện nghi thức “Tống chư thiên”. Nghi thức được thực hiện sau thời tụng kinh cuối trong ngày, do vị trụ trì chùa làm sám chủ, đại chúng tán tụng theo lời xướng của sám chủ, trước khi kết thúc khoá lễ tán bài: “Thiên địa thuỷ nhạc, tứ phủ vạn linh, bãi niên lạp ngoạt tống vân trình, bửu giá triều cung thiên, tống đạt tâm cung, giáng phước vĩnh vô cùng”, trỗi ba hồi chung cổ Bát Nhã tống chư thiên (theo nghi thức thiền môn do Giáo thọ Nguyên Tấn ở chùa Phước Lưu, Trảng Bàng biên soạn vào năm Giáp Tý – 1924).
Tranh thờ ông Táo với khuôn mặt đen “thiết diện vô tư” và hai bộ hạ văn – võ hầu cận.
Sau khi đưa ông Táo, các hoạt động của ngày tết cổ truyền dần trở nên sôi nổi hơn, nên từ 23 tháng Chạp trong dân gian đã gọi là 23 tết. Các gia đình tất bật quét dọn nhà cửa, chùi lư đồng, đến 25 thì đưa ông bà, đi tảo mộ, mua bánh mứt, hoa quả chưng tết, làm dưa kiệu, kho thịt, gói bánh tét…
Với bài vị ông Táo, thờ trong một năm giấy hồng đơn sẽ bạc màu, nên sau khi đưa ông Táo họ gỡ bài vị xuống hoá bỏ và đến nhờ các thầy ở chùa hoặc các vị giỏi chữ Nho viết bài vị mới, hay ra chợ thỉnh bài vị bằng tranh kiếng về thay để đến 30 rước ông Táo.
Đến 30 tết, mọi việc chuẩn bị để ăn tết đã được tươm tất, trưa 30 nấu cơm canh cúng rước ông bà. Nhiều nhà rước ông Táo về sớm rồi rước ông bà, có nhà thì rước ông Táo vào đêm giao thừa. Những nghi thức, lễ vật cúng rước ông Táo cũng tương tự như lúc đưa và gia chủ không quên cầu nguyện ông Táo phù hộ cho một năm mới dồi dào sức khoẻ, công việc luôn được hanh thông, gia đình sung túc, hạnh phúc, ấm no và cũng không quên cầu nguyện mưa hoà gió thuận để mùa màng bội thu, đất nước hưng thịnh để được thái bình.
Ông Táo là vị gia thần gắn liền trong đời sống của cư dân Tây Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung. Trong tâm thức của mỗi gia đình, ông Táo ngự trị trong nhà chứng kiến đời sống, sinh hoạt của từng thành viên và phù hộ cho cả nhà được bình an, hạnh phúc.
Ông Táo còn là người xem xét công – tội trong gia đình, hiện thân cho những kỷ cương, luật lệ, quy chuẩn đạo đức hướng các thành viên trong nhà biết làm lành lánh dữ. Tục thờ ông Táo và nghi thức đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp và rước về vào ngày 30 tết dần trở thành ngày lễ truyền thống trong dân gian và không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp tết đến xuân về.
Phí Thành Phát ( Tây Ninh Online)
Tây Ninh là vùng đất có người Hoa, người Minh Hương đến định cư, lập nghiệp từ rất sớm nên trong nhiều gia đình người Việt và người Hoa tại địa phương cũng thờ ông Táo Trương Đan. Ban thờ ông Táo trong các gia đình ở Tây Ninh xưa thường được đặt ở nhà trên, nơi vị trí trên cao gian giữa nhà hay ở chái bên Tây (chái nhà trên), một vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà.