Nếu chưa có điều kiện làm mái che, nên cho lấp lại bằng cát, đến khi nào có điều kiện sẽ khai quật trở lại, làm mái che, tôn tạo thành điểm tham quan du lịch trong tỉnh và du khách ngoài tỉnh; cho những nhà nghiên cứu có thể tiếp tục nghiên cứu di tích này. Đây là một di tích quý giá nên được giữ gìn và bảo vệ”.
Miếu Bà
Tháng 4.2022, cuối mùa khô, chúng tôi trở lại gò miếu Bà Phước Chỉ. Đón chúng tôi là vô số những tổ chim dồng dộc chung chiêng treo trên những rặng tràm. Trước đó, tôi mới ghé ngôi miếu Ông đổ nát ở gần chợ Rạch Tràm. Định tìm lại cây keo từng có rất nhiều tổ chim dồng dộc, mà cây keo đã mất, miếu cổ cũng không còn. Thay vào đó là ngôi chùa mới người dân tự xây, chắc để lưu giữ một vài phần sót lại của nơi từng là một chốn tâm linh.
Gò miếu Bà nay thuộc về ấp Phước Thuận. Nhờ có con đường 786 nối dài từ Bến Cầu, qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài nên tìm tới đây thật dễ. Chỉ cần đi qua di tích quốc gia tháp cổ Bình Thạnh chừng 2km là tới lối rẽ vào chùa Phước Thạnh (Cây Dương).
Theo lối rẽ phải vào chùa, đi qua cổng chùa 200 mét là đã tới gò miếu Bà dưới rừng tràm xao xác gió. Chim dồng dộc mách ta đây là một chốn “đất lành”. Còn kết quả tìm tòi của các nhà khảo cổ học lại cho biết miền đất lành ấy đã tồn tại cả trên một ngàn năm.
Vâng! Vào các năm 2010-2011, các nhà khảo cổ thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ đã phối hợp Bảo tàng tỉnh Tây Ninh tiến hành “điều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”.
Báo cáo khoa học về cuộc điều tra, xác định vào năm 2011 đã viết về di tích này như sau: “Địa điểm này đã được những nhà nghiên cứu khảo cổ học người Pháp nhắc đến từ năm 1909. Vào năm 1927, H. Parmentier đã đến đây và ghi nhận ở đây có một hồ nước cổ có chiều dài khoảng 55m, rộng 45m và vết tích của một kiến trúc gạch, đá với những hiện vật bằng đá được điêu khắc…
Đến năm 1992, di tích Gò miếu đã được cán bộ thuộc Ban Nghiên cứu khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Tây Ninh tiến hành khai quật, nghiên cứu. Cuộc khai quật đã làm xuất lộ mặt gò một kiến trúc cổ, được xây dựng bằng gạch thuộc loại đền thờ, dạng hình vuông, có cửa quay ra hướng Đông. Kiến trúc gạch có mỗi chiều rộng 5m00, tường xây dày trung bình 0m80, phía trong lòng kiến trúc được lát gạch, giữa trung tâm có một cái giếng sâu hình vuông, mỗi chiều rộng 1m00, từ sàn gạch xuống đáy được xây gạch. Phần cửa của kiến trúc gạch được xây lồi ra phía ngoài 1m00, cửa rộng 0,75, trước cửa có bậc tam cấp, ngạch cửa làm bằng đá phiến được cắt gọt, mài nhẵn vuông cạnh, xếp khít vào nhau trông rất đẹp- Bằng phương pháp so sánh, những người trực tiếp khai quật đã đoán định niên đại của di tích Gò miếu có thể tồn tại vào thế kỷ thứ VII – VIII sau công nguyên…”.
Chắc chắn những nhà nghiên cứu năm ấy đã dùng “phương pháp so sánh” với ngôi tháp cổ Bình Thạnh ở cách 2km. Tháp Bình Thạnh cũng có niên đại vào thế kỷ VII – VIII. Tuy vậy, ở đấy vẫn còn gần như nguyên vẹn một ngôi tháp cao khoảng 10m đứng trên mặt đất, bên cạnh là 3-4 ngôi kiến trúc gạch đá khác chỉ còn nền móng.
Những kiến trúc khác ấy có kích thước mặt bằng nhỏ hơn, chỉ từ 7-8m, nhưng lại được dự đoán có niên đại sớm hơn ngôi tháp chính. Sớm hơn thì có thể là thuộc về văn hoá Óc-eo của vương quốc Phù Nam. Cũng với tháp gạch có kích thước mặt bằng vuông chỉ 5m mỗi chiều, thì rất có thể kiến trúc gạch đá ở gò miếu Bà Phước Chỉ cũng thuộc về một nền văn hoá từng phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phát triển của vùng đất Nam bộ.
Di chỉ đá trên gò miếu.
Đến nay, sau 30 năm kể từ cuộc khai quật nghiên cứu năm 1992, những dấu tích rõ ràng của một ngôi tháp cổ đã không còn nữa. Cái giếng sâu trong lòng tháp (thực chất là cái hố vuông thường có trong các ngôi tháp và chùa Khmer) đã bị đất vùi lấp và lá rụng phủ đầy. Cũng không thể nhận dạng ra nơi từng là cửa tháp “được xây lồi ra phía ngoài”.
Chỉ còn lại một mảng tường gạch từng là móng tháp lộ ra dưới các bụi dây rừng như quấn quýt chở che. Điều lý thú nhất là vẫn còn nhiều các phiến đá “được cắt gọt, mài nhẵn, vuông cạnh…” tuy chúng không còn “xếp khít vào nhau” nữa, mà mỗi nơi mỗi mảnh. Đấy chính là các cấu kiện tạo nên các tam cấp, lanh tô, vách bên của ô cửa tháp ngày xưa.
Chúng vẫn “rất đẹp” dù đã rời rã, ngổn ngang nằm trên mặt đất. Tảng dài, tảng ngắn, tấm hình vuông, chữ nhật, hay đa giác vạt cong; có tảng lại được đục lỗ tròn khiến ta liên tưởng tới trục xoay của cánh cửa đá ngôi cổ tháp…
Chưa hết! Điều kỳ thú nhất do người dân vừa mới sửa sang dọn dẹp ngôi miếu Bà, phát quang các lùm bụi dày rậm bao quanh nên đã lộ ra ngôi tháp gạch thứ hai. Trong khi theo báo cáo khoa học năm 2011 (đã kể trên) chỉ nhắc đến một ngôi ở vị trí có ngôi miếu nhỏ.
Ngôi tháp thứ hai này lộ diện với ụ gạch cổ nhiều tầng lớp xếp lên nhau nằm chếch về phía Bắc ngôi tháp cũ. Ở cả hai phía Đông và Nam gò còn là hai hồ nước có hình dạng gần vuông. Giữa mùa khô mà nước vẫn tràn đầy chan chứa như tiếp sức thêm cho khu gò tháp tươi xanh để chim về làm tổ.
Di chỉ tháp gạch thứ hai trên gò miếu.
Để xác định có phải đúng là gò miếu Bà có 2 ngôi đền tháp hay không, chúng tôi tìm tòi ở các tư liệu cũ. Thì đây, ngay tại báo cáo khoa học kể trên có một câu này: “Năm 1938 H.Manger đã trở lại di tích này và xác định dấu vết của hai đền thờ được xây bằng gạch trên một nền đất dài 50m, rộng 40m” (L. Malleret, 1963).
Còn trong tạp chí của Trường nghiên cứu Viễn đông thuộc Pháp (B.E.F.F.O – số 9 năm 1909) lại có những dòng sau của Henry Parmentier – Trưởng Ban khảo cổ của trường viết về Gò Miếu Bà Phước Chỉ: “Ở phía Bắc xóm Rừng Dầu (mà chúng tôi sẽ trở lại sau vì còn có các vết tích khác) và cách chợ Phước Chỉ (chợ Rạch Tràm – TV) chừng một dặm về phía Bắc Tây là một đầm nước kéo dài, bao quanh một mặt bằng hình chữ nhật (55 x 45m), trên đỉnh có một cây lớn, hướng Đông lệch Nam 20 độ. Một vài viên gạch và đá còn được giữ lại ở đây gợi lại một BAMUN đơn giản.
Tại đây còn tìm thấy một lanh tô mỏng, một vòm cuốn kiểu RASUN BATAU, một pho tượng nhỏ cao 0,53m bằng sa thạch xám trên một đế vuông. Tượng thần VISNU đứng thẳng, mặc một SAM POT xẻ kép phía sau, bốn cánh tay chỉ còn lại những mỏm cụt”.
Tổ chim dồng dộc trên gò.
Như vậy là đã rõ. Nhà khảo cổ Pháp H.Manger từng phát hiện ra dấu tích của 2 ngôi đền tháp ngay từ năm 1938. Cuộc điều tra khảo sát năm 2011 tuy có chép về sự kiện này, nhưng lại không hề nhắc đến trong báo cáo. Hơn nữa, các nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm đến và khảo sát kỹ lưỡng từ năm 1909 (hơn 110 năm trước) và cũng tìm được những di vật đá tuyệt vời (1 tượng thần Visnu và 1 linga).
Vậy mà cho đến nay, gò miếu Bà Phước Chỉ vẫn chưa hề được đưa vào xếp hạng di tích. Cho dù trong kết luận của báo cáo về di tích này, các nhà khoa học đã đề nghị: “Cơ quan chức năng nên làm mái che để bảo vệ di tích khỏi bị hư hại. Nếu chưa có điều kiện làm mái che, nên cho lấp lại bằng cát, đến khi nào có điều kiện sẽ khai quật trở lại, làm mái che, tôn tạo thành điểm tham quan du lịch trong tỉnh và du khách ngoài tỉnh; cho những nhà nghiên cứu có thể tiếp tục nghiên cứu di tích này. Đây là một di tích quý giá nên được giữ gìn và bảo vệ”.
TRẦN VŨ ( Tây Ninh Online)
- Tiếp tục giới thiệu hình ảnh thiên nhiên, con người, quê hương Tây Ninh đến với bạn bè quốc tế
- Cây Trâm cô đơn ở Tây Ninh – điểm sống ảo ‘sốt rần rần’
- Niềm hạnh phúc bình dị, đời thường
- Độc đáo ngôi đình bao quanh bằng ruối cổ, thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam
- Vé cáp treo Núi Bà Đen mới nhất từ 1/4/2023