Tảng đứng, tảng nằm ngổn ngang như thời khai thiên lập địa núi Bà Đen. Có tảng lớn cao hơn người đứng, ở mọi tư thế và kiểu dáng tạo nên cảnh quan ký thú và bí hiểm. Bãi đá nằm bên phía “ta-luy âm” của đường lên. Còn bên “ta-luy dương”, dù chưa phát hiện đá chuông nhưng đá và cây cũng tạo nên những cảnh tượng dễ làm cho lòng người say đắm.
Đấy là một bãi đá, thoạt nhìn không thấy gì đặc biệt. Bởi cũng giống như nhiều bãi đá granite ngổn ngang khắp núi Bà Đen. Trong quá trình “tạo sơn” từ hàng triệu năm trước, đá được chồng xếp lên nhau lẫn cùng với đất. Để cho khắp núi Bà hôm nay, là cảnh quan “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” như Bà Huyện Thanh Quan từng viết ở bài thơ Qua đèo ngang thuở trước.
Vậy mà bãi đá này lại không bình thường chút nào, khi cán bộ quản lý và công nhân làm đường lên núi phát hiện ra. Rằng nhiều tảng trong bãi đá, khi gõ vào thì ngân lên tiếng chuông đồng lảnh lót. Cũng có khi là tiếng chuông trầm đục vang xa, nên anh em mới gọi đây là bãi đá chuông.
Theo chân đoàn khảo sát của Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch, chúng tôi đến bãi đá nằm ngay bên cạnh con đường lên núi đang thi công. Ngay cả con đường này đã là một kỳ tích của thời hiện đại. Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân cũng có tham vọng mở con đường lên núi Bà, nhưng mới chỉ được hơn cây số đã phải dừng lại.
Con đường bắt đầu từ khu vực Ma Thiên Lãnh, vòng qua núi Heo rồi lượn dần lên núi Bà Đen. Đến cuối tháng 6.2022, con đường dài khoảng 11km này chỉ còn chừng 1km nữa là lên đến đỉnh. Chính là con đường đã đưa người tới những khám phá mới, mà khám phá đầu tiên là bãi đá chuông. Chỉ cần một cục đá nhỏ trên tay gõ vào tảng đá ở đây là đã ngân nga tiếng chuông đồng. Viên đá nào cất tiếng chuông, đã được cán bộ, nhân viên của Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh đánh dấu.
Tảng đứng, tảng nằm ngổn ngang như thời khai thiên lập địa núi Bà Đen. Có tảng lớn cao hơn người đứng, ở mọi tư thế và kiểu dáng tạo nên cảnh quan ký thú và bí hiểm. Bãi đá nằm bên phía “ta-luy âm” của đường lên. Còn bên “ta-luy dương”, dù chưa phát hiện đá chuông nhưng đá và cây cũng tạo nên những cảnh tượng dễ làm cho lòng người say đắm. Đấy là những cây sanh, cây gừa cổ thụ, gốc rễ xùm xoà nhoài lên mặt đá, khiến ta đi ngang bỗng nhiên thèm được dừng lại thư giãn nghỉ ngơi dưới cây và trên đá.
Từ đây, ở cao độ khoảng 250 mét, nhìn ra thấy cửa nhà, ruộng rẫy triền miên, xa xanh dưới la đà sương sớm. Anh cán bộ quản lý hái tặng tôi một chùm lá non và một trái cóc rừng. Cắn vào chua dịu và ngon. Một chị đi cùng vừa bắt gặp loài hoa lạ trên núi, chị đặt tên ngay là “hoa đá chuông”.
Nhìn về chân núi
Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch khảo sát bãi đá chuông.
Đường lên đỉnh núi.
Phía “ta-luy dương” của bãi đá.
Bãi đá bên “ta-luy âm”.
Trần Vũ ( Tây Ninh Online)