Vùng đất Tây Ninh xưa phần lớn là rừng nên có nhiều cọp sinh sống, dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện kể về cọp ăn thịt người, phá hoại làng xóm, nhà cửa của cư dân… và cũng có những câu chuyện về cọp biết tu hành, giúp đỡ, trả ơn cho con người.
Phù điêu cọp ở đình Thái Bình, thành phố Tây Ninh.
Trong dân gian có câu “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” là cảnh ở Tây Ninh cũng như cả Nam Bộ thuở tiền nhân đi mở cõi. Vùng đất Tây Ninh xưa phần lớn là rừng nên có nhiều cọp sinh sống, dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện kể về cọp ăn thịt người, phá hoại làng xóm, nhà cửa của cư dân… và cũng có những câu chuyện về cọp biết tu hành, giúp đỡ, trả ơn cho con người.
Nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022 xin nhắc nhớ về những chuyện xưa tích cũ cùng tập tục, tín ngưỡng về cọp ở Tây Ninh.
Cọp trong ký ức dân gian
Ở miếu Bà Chúa xứ Nguyên Nhung (xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng) có thờ bà Nhã [Nhả] (Võ Thị Lệ), người được đặt tên cho ấp đến ngày nay. Trong ký ức của người dân nơi đây, bà Võ Thị Lệ thuộc lớp người di dân đầu tiên đến vùng đất Trảng Bàng khai hoang mở đất. Bà làm mụ đỡ đẻ cho dân chúng.
Một hôm, cọp đi xung quanh nhà bà gầm thét, bà khấn nguyện nếu ông cần gì tôi xin giúp đỡ. Con cọp cõng bà trên lưng đưa đến một nơi, ở đó có một con cọp cái đang đau đẻ, bà mụ đỡ đẻ cho cọp được hai cọp con.
Cọp đưa bà về nhà, sau ba ngày liên tiếp cọp cắp heo đến nhà trả ơn, bà đã cắt phần đầu và đuôi heo kiếng lại cho ông cọp. Về sau cọp trong vùng hoành hành, thường ăn thịt người nhưng khi gặp bà thì cọp nhả ra không ăn, dân gian lúc bấy giờ lấy làm lạ nên thường gọi bà là Bà Nhả.
Cũng có người kể rằng, do cọp đến ngoạm lấy người bà đưa đi đỡ đẻ, đến nơi mới nhả ra. Bà đỡ đẻ xong, cọp lại ngoạm bà đưa về chỗ cũ. Dân quanh vùng biết chuyện, gọi bà là Bà Nhả, về sau đọc trại âm thành “Bà Nhã” cho đến ngày nay. Bà Nhã được đặt cho tên ấp. Người dân trong ấp còn gìn giữ mộ của bà và hằng năm tổ chức lễ giỗ. Trước ngôi miếu và mộ bà có đặt tượng hai con cọp lớn và hai con cọp con để nhắc nhớ tích xưa.
Khoảng những năm 1900, cọp còn xuất hiện nhiều ở khu vực Trảng Bàng. Có lần, tại chùa Phước Lưu, vào thời công phu khuya, Hoà thượng Trừng Lực (tổ khai sơn chùa) lên chùa tụng kinh thì thấy tượng ông Hộ pháp ngã xuống đất, do tượng bằng gỗ nên bị gãy.
Tổ mới quở ông Hộ pháp rằng: “Ông còn chưa lo được cho ông sao hộ trì tam bảo?”. Ngày hôm sau lên công phu, tổ thấy có xác một con cọp nằm cạnh pho tượng ông Hộ pháp, đoán định đây là con cọp đêm trước vào chùa làm ngã tượng Hộ pháp, tổ đem xác con cọp cùng pho tượng bị gãy chôn cất ở vườn mộ chùa (nay là vị trí công viên 29/4 của thị xã Trảng Bàng). Từ đó, chùa không có tượng Hộ Pháp, đến khoảng năm 1905, một nữ phật tử đã cúng chùa pho tượng ông Hộ pháp bằng gốm, kích thước như người thật và được phụng thờ tại chùa cho đến hiện nay.
Khoảng những năm 1920, ở làng Gia Bình vẫn còn cọp thường lui tới. Vào những ngày cuối tháng, ở khu vực đồng Cây Say (nay thuộc khu phố Phước Hiệp, phường Gia Bình) cọp thường về trong đêm 30 âm lịch vác trâu, nghé của các hộ dân nhưng chưa xảy ra việc cọp ăn thịt người. Với nỗi kinh sợ ấy mà người dân lúc bấy giờ gọi cọp là “ông Ba Mươi”. Để phòng cọp vào nhà, cư dân trồng tre gai làm vòng bao bảo vệ bên ngoài nhà. Những đêm nghe tiếng cọp rống, trai tráng trong làng khua chiêng đánh trống báo động cho cư dân, phụ nữ trẻ em ẩn trốn trong nhà còn thanh niên cầm gậy, gộc ra đuổi cọp.
Khi xưa, ở khu vực chùa Huỳnh Long (chùa Đá) và miếu Bà Chúa xứ Cây Say (nay thuộc phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) xung quanh là rừng với những gốc cây đại thụ và thường có cọp lui tới, nhưng cọp không làm hại đến con người.
Lại có người kể, khoảng những năm 1958-1960, bên An Thới (nay thuộc phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng), có người đi chặt cây thuốc thấy cọp, nhưng không bị cọp ăn thịt, ông trở về báo với dân chúng để cảnh giác. Dân chúng báo lên quận Trảng Bàng, quận cử người vào bắn cọp chết ở mé rừng cạnh chùa Huỳnh Long. Người ta cho rằng ông cọp này ăn chay, không ăn thịt người, rồi lập miếu thờ chỗ cọp chết.
Trong bài viết “Chuyện cọp và tục thờ thần hổ” của tác giả Trần Vũ từng được đăng trên báo Tây Ninh cho thấy được nhiều câu chuyện về cọp ở khu vực thành phố Tây Ninh. Cọp từng là nỗi hãi hùng của cư dân nơi đây, nhưng cũng có chuyện cọp thường xuyên về nằm ngay trước cửa chùa Như Lai nghe kinh mà trong dân gian đến nay còn gọi là chùa Ông Cọp.
Tín ngưỡng thờ cọp trong dân gian
Trong tín ngưỡng dân gian, thờ cọp có nhiều mỹ hiệu như Sơn Quân chi thần, Chúa Hổ Sơn Lâm, ông Hổ, ông Cọp, ông Ba Mươi… Những nơi khi xưa thường có cọp xuất hiện, cư dân lập miếu thờ hay được phối thờ ở các đình, chùa, miếu trong thôn ấp.
Như ở mé rừng cạnh chùa Huỳnh Long (khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng) còn lưu lại ngôi miếu nhỏ thờ ông cọp do người dân lập. Tuy là ngôi miếu nhỏ không có ban hội miếu hay ông từ trông nom, đường vào khó khăn nhưng nhang khói nơi đây vẫn nghi ngút, đầy ắp lễ vật và được quét dọn sạch sẽ hằng ngày.
Cư dân bản địa hay nhiều người ở vùng khác đến viếng ông cọp, lễ vật họ thường dâng cúng là hoa quả, có nhà khá hơn thì kiếng cho ông miếng thịt heo sống. Họ đến cầu bình an, mạnh khoẻ, làm ăn thuận lợi và mong được sự phù hộ từ ông. Sau khi bái lạy, họ quét dọn khu vực miếu và xung quanh, đợi cúng xong họ nhận lại lễ vật cúng đem về dùng và xem đó là “lộc” từ ông cọp.
Ở chùa Phước Sơn (khu phố Gia Tân, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) có ngôi miếu thờ ông cọp trước sân, trên có cặp liễn đề: “Phước Sơn cổ tự nơi ông ngự/ Cổ miếu vinh quang trở lại chùa”, cho thấy trước đây cọp thường lai vãng đến chùa.
Ở chùa Như Lai hay còn gọi là chùa Ông Cọp toạ lạc ở phường 1, thành phố Tây Ninh, phía trước mặt tiền chùa có bức phù điêu đắp nổi ông cọp, và một ban thờ thấp có tượng bạch hổ, hoàng hổ, bên cạnh là ban thờ cô hồn và Tiêu Diện đại sĩ, do chùa bài trí theo lối xưa của chùa Nam Bộ, đấu lưng với bàn ông Tiêu là bàn thờ Hộ pháp nhìn vào điện Phật.
Trong đình làng Tây Ninh, cọp thường được thờ ở một ngôi miếu ngoài sân đình với bài vị “Sơn Quân” và được nhắc đến là vị thần “đồng lai phối hưởng” trong chúc văn lễ cúng Kỳ yên hằng năm. Ngoài ra, hình tượng cọp còn được thể hiện trên bình phong ở các đình với vai trò trấn trạch.
Đặc biệt hơn hết là bức bình phong bằng đá xanh nguyên khối ở đình Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), phần nổi trên mặt nền cao 1,05m, dài 1,2m và dày hơn 2 tấc, chạm khắc rất mỹ thuật, mặt trước chạm ông hổ, mặt sau chạm hình long mã, hai bên có trụ sen chạm đôi liễn chữ Hán “Kính chúc Nam triều đồ vĩnh cửu/ Âu ca Nguyễn thất nghiệp miên trường” (Kính chúc cơ đồ nước Nam luôn vĩnh cửu/ Ngợi ca cơ nghiệp nhà Nguyễn mãi dài lâu), trụ sen còn ghi con số “1915” để ghi nhớ năm lập bình phong và cũng là năm lập đình ở vị trí mới như hiện nay.
Riêng ở đình Phước Trạch (huyện Gò Dầu), phía trước đình có bình phong hổ vàng, nơi mặt tiền đình vẽ bức bích hoạ hình Bạch Hổ, trong quan niệm dân gian, hổ trắng là linh vật trong tứ tượng (Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Võ), trong đó Bạch Hổ ở hướng Tây thuộc hành Kim trong ngũ hành, biểu thị cho sự may mắn.
Đình Thái Bình (thành phố Tây Ninh) có bức phù điêu khảm sành sứ ở tiền bàn ban thờ Thần Nông, sau bình phong long mã trước sân đình. Phù điêu được tạo tác rất nghệ thuật, mang phong cách trang trí của Huế và các công trình thời nhà Nguyễn, qua đó có thể đoán định rằng cư dân xưa đã mời những tốp thợ từ miền Trung vào xây dựng hoặc trùng tu đình.
Trong lễ cúng miếu Tiên sư (nhà vuông) ở ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng vào ngày 17 tháng Giêng hằng năm, ban hội miếu có bày bàn cúng ông hổ bên cạnh hương án thực hiện nghi thức tống ôn.
Bài vị được viết trên giấy hồng đơn có nội dung “Cung thỉnh Chúa Hổ Sơn Lâm tại vị”, lễ vật cúng ông hổ gồm có hương, hoa, đăng, trà, rượu, quả, trầu cau, bộ tam sên (thịt, tôm khô, trứng luộc), giấy tiền vàng bạc, mâm cơn canh, do thầy pháp đại diện người dân trong vùng dâng lời cầu cho năm mới được quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cư dân địa phương được ấm no, làm ăn hanh thông và tống tiễn đi những dịch bệnh, không may.
Tín ngưỡng thờ cọp gần gũi hơn với các gia đình qua hình tượng là vật cưỡi của ông Địa- vị gia thần trong tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Huỳnh Ngọc Trảng trong sách “Thần Đất – ông Địa và thần Tài” có viết: “Quá trình khai phá đất đai cũng chính là quá trình chinh phục với thú dữ, đặc biệt là cọp.
Rừng nào cọp đó. Do đó, việc chiếm dụng một vùng đất đai hoang hoá nào đó cũng có nghĩa là đã khắc phục được cọp vốn là chúa tể ở đó. Điều này phải chăng là gợi ý cho việc sáng tạo nên hình tượng ông Địa cưỡi cọp, hiểu theo nghĩa Thổ Địa là vị thần đứng đầu một vùng đất, không chỉ là chủ của cộng đồng dân cư mà kể cả muôn vật, trong đó có chúa sơn lâm” (2020, NXB Văn hoá – Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, tr. 91). Đây cũng được xem là sự kết hợp thờ Thổ Địa và Sơn Quân của cư dân buổi đầu nơi vùng đất mới.
Hình tượng cọp là một trong năm vật cưỡi được thể hiện trên bộ Sám bài Ngũ Hiền thượng kỳ thú trong một số chùa ở Tây Ninh như chùa Phước Lưu, Tịnh Lý, Vĩnh An, Phước Hưng ở thị xã Trảng Bàng, chùa Cao Sơn ở huyện Gò Dầu, chùa Thiền Lâm (Gò Kén) ở thị xã Hoà Thành, chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân) ở thành phố Tây Ninh…
Cọp còn có chức năng trấn trạch, vào ngày mùng 3 tết, các gia đình khi cúng tết nhà xong thường dán giấy có hình ông hổ trong bộ giấy cúng ở trước cửa chính để xua đi những điều không may mắn. Hay trong bộ đồ thế cúng sao hội, cúng tam tai vào ngày mùng 8 tết cũng có hình ông hổ. Các vị sư ở chùa xưa còn có nghi thức khai quang đồ thế, nhiều người lấy giấy có in hình cọp trong bộ đồ thế về dán ở cửa nhà.
Cọp gắn liền trong đời sống của cư dân từ những buổi đầu đi mở cõi, mãi cho đến những năm 1960 cọp vẫn còn xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh. Cùng những tập tục, tín ngưỡng liên quan đến vị Sơn Quân chi thần nhằm tạo niềm tin cho người đi khai hoang, còn biểu hiện sự chế ngự được cọp qua hình tượng của ông Địa cưỡi cọp và bộ Sám bài Ngũ Hiền thượng kỳ thú. Tất cả đã góp phần tạo nên nét đẹp trong văn hoá dân gian ở Tây Ninh.
Phí Thành Phát ( Tây Ninh Online)