Chàng trai 8X làm giàu từ cây lúa

Trong điều kiện sản xuất khó khăn, thời tiết thất thường, nhiều người cho rằng nghề nông vất vả, thu nhập lại thấp nên bán ruộng đi làm ăn xa mong được đổi đời. Tuy nhiên, anh Văn Ngọc Phương (sinh năm 1981, ấp Thanh Hoà, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) lại có suy nghĩ hoàn toàn khác, anh quyết bám ruộng, bám đồng, nỗ lực làm giàu từ cây lúa.

 

 

Anh Văn Ngọc Phương quan tâm, đầu tư các loại máy móc hỗ trợ việc sản xuất

Sau 12 năm đèn sách, năm 2000, Văn Ngọc Phương trúng tuyển vào Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Văn Lang TP. Hồ Chí Minh. Anh trằn trọc suốt đêm, nghĩ rằng bản thân là con trai út, anh chị có gia đình lại ở xa, em gái đang học lớp 12, trong khi nhà có 5 ha ruộng trồng lúa, hơn 7 công vườn, trâu, bò, heo, gà… Nếu em gái vào đại học thì tất cả công việc nặng nhẹ đều do ba mẹ gánh vác, trong khi cả hai người đều có bệnh cao huyết áp, sức khoẻ yếu. 

Sau một tuần đắn đo, Phương quyết định ở lại quê nhà, lấy ruộng đồng làm công việc mưu sinh. Ngọc Phương cho biết: “Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cả tuổi thơ rong ruổi trên những cánh đồng. Từng tấc đất, bông lúa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Khi bạn bè cùng trang lứa đều mong muốn ly nông để có công việc nhàn hạ, không phải chân lấm tay bùn thì tôi vẫn lựa chọn nghề cha truyền, con nối”.

Năm 2003, sau khi cưới vợ ra riêng, anh được ba mẹ chia cho 4 ha ruộng lúa và 5 công đất thổ cư. Lúc đó, trong tay anh chỉ có một chiếc máy xới loại nhỏ, kinh nghiệm cũng chưa nhiều. Đam mê với đồng ruộng đã ngấm vào máu, anh tự nhủ cố gắng hết sức, làm việc sáng tạo, học hỏi, tìm ra hướng đi mới để cải thiện cuộc sống.

Sau 2 năm nỗ lực không ngừng, vợ chồng Phương đã được đền đáp xứng đáng. 4 ha đất trũng ngày nào giờ đã trở thành những ruộng lúa vàng óng. Cánh đồng sình lầy được hồi sinh bởi những giọt mồ hôi, thậm chí có cả máu và nước mắt của người thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết. Ngoài làm ruộng, anh còn chăn nuôi heo, bò, gà vịt, từ đó có thêm vốn mua 2,5 ha đất ruộng. Đến nay, Phương có trong tay hơn 6,5 ha ruộng, thu nhập gia đình ổn định.

 

 

Sử dụng thuần thục máy gặt đập liên hợp

Anh Văn Ngọc Phương chia sẻ: “Khi mới bắt đầu công việc, tôi nhận thấy cả cánh đồng rộng lớn không thể chỉ dùng sức người để sản xuất. Trong khi đó, nhiều gia đình đã bắt đầu đưa các loại máy móc vào sản xuất, hạn chế sức người, tăng năng suất. Năm 2007, tôi quyết định vay vốn để mua 1 máy gặt đập liên hợp, 1 chiếc máy cày chở phân, 1 máy cày xới đất, 1 máy phun thuốc trừ sâu và 1 máy gieo lúa, tổng trị giá gần 700 triệu đồng”.

Ngoài ra, việc lựa chọn giống lúa để phù hợp với thổ nhưỡng cũng là vấn đề lớn. Ban đầu, anh định chọn giống chất lượng cao để bán cho được giá nhưng loại này chỉ phù hợp với chân ruộng gò, đất đai màu mỡ. Sau khi cân nhắc, Phương quyết định sạ giống OM 1352, loại thích hợp cả 3 vụ, chịu phèn, sinh trưởng từ 95 -100 ngày. Đây là giống lúa phổ thông, khoẻ cây lại cho năng suất cao từ 6-7 tấn/ha. Gạo của OM 1352 cũng được sử dụng nhiều trong chế biến, làm ra các sản phẩm như bún, phở, bánh đa… Dù giá bán không cao nhưng tiêu thụ thuận lợi.

Chia sẻ về lý do chọn cây lúa để làm giàu, Phương cười nói: “Tôi xuất thân từ gia đình nhà nông, đã quen gắn bó với ruộng đồng. Trước đây, người nông dân chỉ lấy công làm lời, nếu phải thuê người làm hoặc cây trồng bị sâu bệnh thì thua lỗ là cái chắc. Về sau, tôi nghiên cứu, học hỏi nhiều phương pháp, quyết định đưa máy móc vào hỗ trợ các công đoạn sản xuất. Giá lúa OM 1352 thường dao động từ 5.500 đến 6.500 đồng/kg, mỗi năm 2 vụ, tôi có thu nhập ổn định. Bản thân còn tranh thủ đi cày, sạ lúa, phóng lúa cho các hộ khác, thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng”.

 

 

Anh Phương vẫn luôn học hỏi từng ngày, chăm chỉ lao động, tìm ra hướng đi mới để cải thiện cuộc sống

Anh Nguyễn Bảo Toàn (sinh năm 1981, bạn làm nông cùng ấp) cho biết: “Nhắc đến anh Phương, bà con trong ấp Thanh Hoà đều thán phục bởi anh có khả năng dự đoán tình hình thời tiết để dự báo sâu bệnh trên lúa khá chính xác. Có lần dẫn chúng tôi thăm cánh đồng, bước xuống ruộng lúa hơn 10 ngày tuổi, dùng tay vạch từng lá ra xem, Phương nói rằng, đợt này bướm nhiều, chắc chắn sẽ có nhiều sâu cuốn lá, dặn phải chuẩn bị xịt cho kịp. Hay trường hợp ban ngày nắng nóng, ban đêm có sương mù thì bệnh đạo ôn sẽ xuất hiện hoặc thời tiết đang nắng nóng bỗng nhiên có không khí lạnh thì lúa sẽ bị bệnh vàng lá…”.

Để có được khả năng trên, Văn Ngọc Phương đã phải đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm sản xuất lúa và theo sát cánh đồng. Quá trình cây lúa sinh trưởng, phát triển được anh ghi chép cẩn thận, phân chia theo từng giai đoạn để biết cách chăm sóc, xử lý kịp thời khi có tình huống phát sinh. “Cây lúa đã quen thuộc với nhà nông nên nhiều người thường chủ quan, bỏ qua các kỹ thuật canh tác tưởng chừng như không cần thiết nhưng lại rất quan trọng. Phòng bệnh, diệt chuột phải đủ liều lượng, đúng thời điểm mới mang lại hiệu quả tối đa”- anh Phương nói thêm.

 

 

Ngoài trồng lúa, anh Phương còn nuôi thêm bò để tăng thu nhập cho gia đình

Có được thành công sau những năm tháng vất vả, Văn Ngọc Phương đã có thể yên tâm sản xuất, thoả sức sáng tạo, góp phần vào bức tranh nông nghiệp với những gam màu tươi mới hơn. Ông Nguyễn Văn Bình- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Điền nhận xét, anh Phương là tấm gương sáng về tính chịu khó, ham học hỏi, quyết chí vươn lên làm giàu từ cây lúa. Không chỉ sản xuất giỏi, anh còn chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cho bà con, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua ở địa phương. Nhiều năm liền, anh Văn Ngọc Phương được UBND huyện cấp giấy chứng nhận danh hiệu “Hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi”.

Hà Quang – Phương Thảo (Tây Ninh Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: No coppy !!